VĂN BẢN 7
ANH HÙNG VÀ NGHỆ SĨ
VĂN BẢN NGHỊ LUẬN – TÁC GIẢ NGUYỄN TRÃI
BÀI 1: BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO
Trước khi đọc
Bạn biết những tác phẩm nào trong văn học Việt Nam gắn với các sự kiện trọng đại, thể hiện sâu sắc tình cảm yêu nước, tự hào dân tộc? Hãy kể tên tác phẩm và tác giả.
Gợi ý trả lời: Một số tác phẩm văn học Việt Nam gắn với sự kiện trọng đại
- Bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải được làm khi ông đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) ngay sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285
- Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà được cho là: Vào năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược nước ta. Vua Lí Nhân Tông sai Lí Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt, bỗng một đêm, quân sĩ nghe từ trong đền thờ hai anh em Trương Hống và Trương Hát có tiếng ngâm bài thơ này
- Năm 1010, sau khi lên ngôi, Lí Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Chiếu dời đô được viết nhân sự kiện này để thông báo rộng rãi quyết định cho nhân dân được biết.
Đọc văn bản
- Tác giả nêu ra quan niệm về nhân nghĩa ở đầu bài cáo nhằm mục đích gì?
Gợi ý trả lời:
Việc đưa ra quan niệm về nhân nghĩa ở đầu bài cáo như một luận đề tư tưởng cốt lõi của tác phẩm. Việc nhân nghĩa là những việc làm đem lại điều tốt đẹp, cuộc sống yên ổn cho nhân dân. Đó cũng chính là tiền đề, mục đích cao cả của cuộc kháng chiến mà Bình Định Vương phất cờ khởi nghĩa. Đưa ra ý quan niệm nhân nghĩa đầu tiên là lời khằng định dõng dạc về tinh thần chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa, lấy dân làm gốc.
- Ở đoạn 2, tác giả cho thấy giặc Minh đã gây ra những tội ác gì trên đất nước ta?
Gợi ý trả lời:
Ở đoạn 2, tác giả cho thấy giặc Minh đã gây ra những tội ác trên đất nước ta:
- Chúng thừa lúc chính sự nước ta chưa ổn mà nhũng nhiễu, đem tai hoạ đến gieo rắc vào đời sống nhân dân “Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ”, mua chuộc quan lại, chia cắt nội bộ “bọn gian tà bán nước cầu vinh”.
- Áo bức, hành hạ dân đen bằng thủ đoạn tàn độc “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ vùi con đỏ xuống dưới hầm tai hoạ”
- Bắt nhân dân ta phục dịch, đánh thuế, vơ vét sản vật, bóc lột sức lao động, rút cạn kiệt máu xương “Nặng thuế khoá, ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, đem vào núi đãi cát tìm vàng, vơ vét sản vật, bắt chim trả..”
- Dối trời lừa dân, gây binh kết oán
- Dựa vào những hình ảnh ở cuối đoạn 3a (“Nhân dân… lấy ít địch nhiều”), bạn hãy dự đoán về diễn biến tiếp theo của cuộc khởi nghĩa.
Gợi ý trả lời: Hình ảnh cuối đoạn 3a là hào khí chiến đấu của quân và dân ta. Chúng ta có tinh thần đoàn kết cũng với sự sáng suốt của người lãnh đạo, trên dưới đồng lòng, lấy khó khăn làm động lực để chiến thắng. Điều này nhất định sẽ xoay chuyển thế cờ, từ bị động sang chủ động, từ khó khăn ban đầu sang thành công vang dội và sẽ sớm một ngày thắng lợi vẻ vang.
4. Bạn hình dung như thế nào về khí thế chiến thắng của nghĩa quân trong đoạn 3b?
Gợi ý trả lời:
Khí thế chiến thắng của nghĩa quân hiện lên hào hùng qua các hình ảnh “sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh, trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay..”
- Với nghĩa quân lúc bấy giờ, từng trận đánh thắng lợi như tiếp thêm sức mạnh cho những trận tiếp theo, càng đánh càng thắng, càng thắng thì danh tiếng và sĩ khí càng lên cao, tinh thần càng hăng hái, nhiệt huyết tạo thành một làn sóng to lớn, mạnh mẽ mà không có bất cứ kẻ thù nào ngăn được bước tiến công.
- So với các đoạn trên, giọng nghị luận ở đoạn này có gì khác biệt?
Gợi ý trả lời: Giọng nghị luận ở những đoạn thơ đầu là chất giọng đanh thép, căm tức, phẫn nộ khi nói về tội ác của kẻ thù và ý chí quyết tâm chiến đấu. Ở đoạn thơ cuối, chất giọng chính là niềm tự hào, niềm vui chiến thắng, sự tin tưởng ở nền độc lập muôn đời.
Sau khi đọc
Câu 1. Xác định hoàn cảnh ra đời, mục đích viết của bài cáo. Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết Bình Ngô đại cáo là một văn bản nghị luận?
Gợi ý trả lời:
- Hoàn cảnh ra đời: Sau khi quân ta đại thắng, 15 vạn viện binh của giặc bị tan rã, Vương Thông buộc phải giảng hòa, rút quân về nước, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo Bình Ngô.
- Mục đích viết: Bố cáo với toàn dân về chiến thắng của nghĩa quân do Lê Lợi lãnh đạo
- Bình Ngô Đại Cáo là văn bản nghị luận vì thuộc thể cáo – một áng văn nghị luận cổ có hệ thống luận điểm, lý lẽ, giọng văn hùng hồn, đanh thép, nội dung phản ánh một vấn đề lớn của xã hội được đông đảo quần chúng quan tâm.
Câu 2. Có người nhận định rằng: Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc và tính chất tuyên ngôn ấy thể hiện rõ ngay trong phần mở đầu của bài cáo. Cho biết ý kiến của bạn về nhận định trên.
Gợi ý trả lời: Nhận định trên rất đúng đắn, có cơ sở và thuyết phục. Bình Ngô Đại Cáo được ví như bản tuyên ngôn thứ hai của đất nước dựa trên những tính chất sau:
- Mục đích của Bình Ngô Đại Cáo là tuyên bố cho toàn thể nhân dân về quá trình đánh đuổi giặc Minh, giành lấy hoà bình cho dân tộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự cường.
- Đất nước ta dựa trên những phương diện về địa lý, lịch sử, văn hoá, phong tục, tập quán, nhân tài đều thể hiện là một đất nước độc lập, tự chủ:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có”
Câu 3. Chứng minh “nhân nghĩa” trong câu mở đầu: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” là một tư tưởng quan trọng xuyên suốt cả bài cáo. Lời mở đầu này cùng với những câu văn tiếp theo ở phần 1 có quan hệ nối kết như thế nào với các phần 2, 3a, 3b, 4 trong bài cáo?
Gợi ý trả lời:
- Tư tưởng “nhân nghĩa” trong câu mở đầu được xem là luận điểm lớn nhất của bài cáo cũng là tư tưởng chủ đạo chi phối những nỗi dung còn lại của bản cáo trạng hùng hồn. Với vua tôi nhà Lê, nhân nghĩa là trọng trách lớn lao của người quân tử cần làm để đem lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho nhân dân.
- Lời mở đầu là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các phần còn lại. Chính vì tư tưởng nhân nghĩa nên khi kể về tội ác của quân Minh trong phần 2, tác giả đã ngầm tố cáo những hành động phi nhân nghĩa, phi đạo đức khiến nhân dân lầm than, đất trời, lòng người phẫn nộ. Để bảo vệ điều lành, bảo vệ nhân nghĩa mà nghĩa quân Lam Sơn đã gánh vác trọng trách núi sông, dấy binh khởi nghĩa, chịu nhiều vất vả, hy sinh từng bước giành thắng trận ở phần 3a và 3b. Đến phần cuối của bài cáo, tác giả khẳng định chiến thắng tất yếu của nhân nghĩa và tự hào khi vận mệnh dân tộc sang một trang mới huy hoàng với sự lãnh đạo sáng suốt của vị lãnh tụ trọng lợi ích nhân dân.
Câu 4. Dựa vào bố cục của văn bản, hãy tóm tắt các luận điểm chính trong bài cáo và nhận xét về cách tổ chức, sắp xếp hệ thống luận điểm của tác giả. (Có thể dùng lời, bảng biểu hay sơ đồ tư duy).
Gợi ý trả lời: Luận điểm chính trong bài cáo dựa vào bố cục của văn bản:
- Luận điểm 1: Tư tưởng nhân nghĩa là hướng đến lợi ích của nhân dân và khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt
- Luận điểm 2: Tội ác của quân Minh khiến lòng người căm phẫn, đất trời phẫn nộ
- Luận điểm 3: Nghĩa quân Lam Sơn phất cờ khởi nghĩa để bảo vệ tư tưởng nhân nghĩa cho nhân dân. Những thắng lợi vang dội của nghĩa quân và sự thất bại thảm hại của kẻ đi ngược lại điều nhân nghĩa
- Luận điểm 4: Niềm tự hào chiến thắng vẻ vang của chính nghĩa, khẳng định điều nhân nghĩa sẽ giúp đất nước phát triển bền vững.
Câu 5. Phân tích cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả trong phần 1 hoặc phần 2 của bài cáo.
Gợi ý trả lời:
Cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng trong phần 1
- Lí lẽ: “Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”
- Dẫn chứng: để làm sáng tỏ về nền văn hiến của đất nước Đại Việt, tác giả đã lần lượt đưa những dẫn chứng thông qua các phương diện: địa lý, lãnh thổ đã chia, phong tập, tập quán khác biệt, trải qua các triều đại hưng thịnh không thua kém gì phương Bắc, có nhân tài hào kiệt khắp nơi.
Cách dử dụng lí lẽ và bằng chứng trong phần 2:
- Lí lẽ: “Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ”
- Dẫn chứng: để làm sáng tỏ về việc quân Minh thừa cơ hội chính sự trong nước rối ren đem quân sang gây hoạ, tác giả đã đưa hàng loạt những tội ác của chúng gieo vào đời sống nhân dân: “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, “dối trời lừa dân”, “nặng thuế khoá”…
- Cách đưa lí lẽ và dẫn chứng rất thuyết phục, bằng chứng được đưa ra ngay sau khi đưa lí lẽ khiến cho lí lẽ thêm sáng tỏ.
Câu 6. Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự (lược thuật về sự việc) với nghị luận trong phần 3a (hoặc phần 3b) của bài cáo.
Gợi ý trả lời:
Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự (lược thuật về sự việc) với nghị luận trong phần 3a của bài cáo:
Yếu tố nghị luận: Tác giả nghị luận về tinh thần quyết tâm chống lại kẻ thù xâm lược, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ đem lại hoà bình cho nhân dân của chủ tướng và nghĩa quân. Để làm sáng tỏ ý chí quyết tâm, nỗi lòng của đấng minh quân, tác giả đan xen kết hợp những yếu tố tự sự để kể về những khó khăn buổi đầu, nỗi lòng của chủ soái “Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời/ nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối/ quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh/ ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ”…cách lược thuật sự việc càng làm nổi bật tư thế của người anh hùng trong buổi đầu khởi nghĩa. Khi nghị luận về tấm lòng yêu nước, sự anh minh, sáng suốt trong cách lãnh đạo của vua Lê, tác giả sử dụng yếu tố tự sự kể về phương pháp đánh giặc của nghĩa quân trong lúc khó khăn: “Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh/ dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”.
Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự (lược thuật về sự việc) với nghị luận trong phần 3b của bài cáo
Phần này nói về hào khí oanh liệt của nghĩa quân cùng chiến thắng vang dội, liên tiếp khiến địch kinh hồn. Vấn đề nghị luận là lẽ tất thắng của chính nghĩa “Đem đại nghĩa để thắng hung tà/ lấy chí nhân để thay cường bạo”. Để làm sáng tỏ lẽ tất thắng trên, tác giả đã đưa yếu tố tự sự dày đặc kể về những chiến thắng của nghĩa quân trong trận Bồ Đằng, miền Trà Lân và sự thất bại của quân thù “Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía, Lí An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân”. Sự chủ động tiến công của quân ta và sự bế tắc của quân giặc “Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại/ tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về”, “Vương Thông gỡ thế nguy mà đám lửa cháy lại càng cháy/ Mã Anh cứu trận đánh mà quân ta hăng lại càng hăng”. Nhận định về tình thế trận đánh không thể, lẽ tất thắng thuộc về nghĩa quân và quân thù không thể cứu vãn binh tình kết hợp với yếu tố tự sự kể về việc quân địch bó tay chịu trói “bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt/ chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công”.
- Yếu tố tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với tính chất nghị luận làm nên một bảng cáo trạng đanh thép, hùng hồ, giàu sức thuyết phục.
Câu 7: Cách sử dụng từ ngữ, các thủ pháp nghệ thuật (liệt kê, đối, ẩn dụ, thậm xưng,…) trong việc xây dựng hình ảnh, tạo nhịp điệu ở bài cáo có tác dụng biểu cảm như thế nào?
Gợi ý trả lời:
- Liệt kê: trình bày một cách đầy đủ, rõ ràng vấn đề, tạo cảm giác liên tục, mức độ và tần suất cao.
+ Liệt kê các triều đại của ta để thấy được đất nước ta vốn xưng nền văn hiến đã lâu “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”
+ Liệt kê tội ác của kẻ thù để thấy chúng đi ngược lại với nhân nghĩa, gây bao oán hận trong nhân dân “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tà/ vùi con đỏ xuống dưới hầm tai hoạ…”
+ Liệt kê chiến thắng vang dội của quân ta để thấy rõ sự thắng lợi tất yếu của chính nghĩa “Trần Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”…
- Phép đối: Tạo nên sự hoàn chỉnh, hài hoà, nhấn mạnh mức độ ngang hàng hoặc tương phản. Ví dụ khi nói đến nền văn hiến đất nước, tác giả dùng phép đối giữa các triều đại ta và phương Bắc để cho thấy dân tộc ta cũng hùng mạnh không hề thua kém họ. Đối lập giữa chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân và sự thất bại thảm hại của quân Minh để chứng tỏ chiến thắng của chúng ta là chiến thắng của chính nghĩa.
- Ẩn dụ: gợi liên tưởng, hàm ý sâu xa, tăng sức biểu cảm cho hình ảnh, câu văn thêm sinh động. Mượn hình ảnh “lá khô”, “đê vỡ” để nói về tình thế nao núng của giặc. “Nổi gió to trút hết lá khô/ thông tổ kiến phá tan đê vỡ”. Hình ảnh ẩn dụ “lá khô” chỉ thế lực của quân địch đang suy yếu, chỉ tạm bợ, không còn sức sống. “Đê vỡ” chỉ hình thức bên ngoài của địch như con đê nhưng bên trong đã bị mục rỗng có thể vỡ tan bất cứ lúc nào. “Nổi gió to” và “thông tổ kiến” là cách nói ẩn dụ cho cách đánh giặc chọn chỗ trọng yếu mà đánh khiến địch trở tay không kịp.
- Thậm xưng: Tăng sức gợi hình, nhấn mạnh, bộc lộ cảm xúc cao độ. Ví dụ trong phần nói về tội ác của kẻ thù có hình ảnh “trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Nước Đông Hải không rửa sạch mùi” để thể hiện sự ghê tởm trước sự ác độc của kẻ thù và nỗi căm hơn thấu tận trời xanh.
Câu 8. Nhận xét về sự thay đổi giọng điệu nghị luận của bài cáo qua từng đoạn. Theo bạn, việc xem Bình Ngô đại cáo là một “thiên cổ hùng văn” có thích đáng không? Vì sao?
Gợi ý trả lời:
- Giọng điệu qua từng đoạn:
+ Đoạn 1: trang trọng, đĩnh đạc, hùng hồn như bản tuyên ngôn độc lập gợi nên cảm xúc tự hào, yêu quý dân tộc
+ Đoạn 2: đau khổ, phần uất khi nói về tội ác của kẻ thù và nỗi đau của nhân dân
+ Đoạn 3: Tâm tình, tha thiết như nỗi lòng trăn trở của vị chủ soái, gợi động lực vượt qua khó khăn
+ Đoạn 4: hưng phấn, hùng tráng gợi những chiến thắng liên tiếp của nghĩa quân
+ Đoạn 5: hào sảng, tự hào, vui mừng cho chiến thắng vẻ vang.
- Bình Ngô đại cáo là bản hùng văn thiên cổ vì:
+ Đây là bảng tổng kết hùng hồ, bức tranh hoành tráng, sinh động về mười năm kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân do vị chủ soái Lê Lợi lãnh đạo.
+ Kết tinh của tình cảm yêu nước thương dân, tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc
+ Đỉnh cao của nghệ thuật chính luận với luận điểm rõ ràng, sắc sảo, luận cứ chặt chẽ, dẫn chứng xác đáng
+ Bài cáo là kết quả của một trí tuệ ưu việt, một tấm lòng đại trí, đại dũng, đại nhân.
+ Không chỉ tác động lý trí, bài cáo còn tác động sâu sắc đến tình cảm, cảm xúc của người đọc về tình yêu, lòng tự hào dân tộc, nỗi căm hờn những kẻ đi ngược nhân nghĩa, ý chí quyết tâm bảo vệ chính nghĩa nhân dân.. Tư tưởng ấy, tình cảm ấy sẽ sống mãi cùng thời đại.