ĐỌC KẾT NỐI CHỦ ĐIỂM
BẢO KÍNH CẢNH GIỚI – BÀI 43
Nguyễn Trãi
Sau khi đọc
Câu 1. Nhận xét về cách quan sát và miêu tả bức tranh ngày hè của Nguyễn Trãi (chú ý cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, huy động các giác quan,…).
Gợi ý trả lời: Bức tranh ngày hè của Nguyễn Trãi được miêu tả qua:
- Hình ảnh: ngày trường (ngày dài, đặc điểm của mùa hè là ngày dài hơn đêm)
- Màu sắc: hoè lục, thạch lựu, hồng liên trì (những màu sắc xanh lục của cây hoè, đỏ của hoa lựu và hồng của hoa sen gợi sức sống của cây cối trong mùa hè. Mùa hè cũng là lúc hoa sen sắp tàn “tịnh mùi hương”)
- Các từ: đùn đùn, giương, phun, tịnh gợi trạng thái căng tràn sức sống của cảnh vật
- Từ láy: lao xao, dắng dỏi tái hiện cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, tưng bừng của con người trong một buổi chiều ở làng chài.
- Bức tranh mùa hè qua đôi mắt nhà thơ tươi vui, sinh động, mọi thứ như căng tràn nhựa sống. Nguyễn Trãi huy động nhiều giác quan để cảm nhận cảnh vật từ gần đến xa, từ những cảnh nhìn thấy đến những cảnh chỉ hình dung qua âm thanh. Cái hay của bài thơ là không có từ nào nhắc đến hè mà mỗi câu thơ đều tràn ngập sắc hè.
Câu 2. Chỉ ra nét đặc sắc của bài thơ qua một số yếu tố hình thức nghệ thuật như: cách gieo vần, số tiếng, cách ngắt nhịp trong các dòng thơ (chú ý dòng thơ đầu, dòng thơ cuối) và tác dụng của chúng trong việc thể hiện cảm xúc của chủ thể trữ tình.
Gợi ý trả lời:
- Cách gieo vần: gieo vần chân của câu 1, 2, 4, 6, 8 vần “ương” là vần bằng. Câu thơ hầu hết đều vần bằng tạo cảm giác cảnh vật như mở rộng ra, kéo dài phù hợp với không gian mênh mông của mùa hè ở thôn quê.
- Số tiếng: bài thơ có 8 câu trong đó 6 câu giữa 7 tiếng, câu đầu và câu cuối có 6 tiếng cho thấy đây là thể Đường luật đã được Việt hoá thất ngôn xen lục ngôn.
- Ngắt nhịp: cách ngắt nhịp tự do:
Rồi/ hóng mát thuở ngày trường. Câu 1: 1/5
Hoè lục / đùn đùn tán rợp giương. Câu 2: 2/5
Thạch lựu hiên /còn phun thức đỏ. Câu 3: 3/4
Hồng liên trì /đã tiễn mùi hương. Câu 4: 3/4
Lao xao chợ cá /làng ngư phủ, Câu 5: 4/3
Dắng dỏi cầm ve /lầu tịch dương. Câu 6: 4/3
Dẽ có Ngu cầm /đàn một tiếng, Câu 7: 4/3
Dân giàu đủ /khắp đòi phương. Câu 8: 3/3
- Tác dụng: với nhịp thơ tự do ở câu thơ đầu, nhà thơ tạo một ấn tượng độc đáo mở ra bức tranh mùa hè sinh động. Câu thơ cuối 6 tiếng nhưng cách ngắt nhịp 3/3 đều đặn, hài hoà đã đúc kết tinh thần bài thơ, bộc lộ tấm lòng của Nguyễn Trãi dù thưởng ngoạn cảnh vật đẹp tươi nhưng vẫn không quên cuộc sống nhân dân. Bức tranh chỉ thật sự hoàn hảo khi nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Câu 3. Chỉ ra mạch cảm xúc của tác giả trong bài thơ. Từ đó nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.
Gợi ý trả lời: Mạch cảm xúc của tác giả: Nhà thơ tìm đến với cảnh vật trong tâm trạng ung dung, nhàn rỗi. Nhà thơ quan sát những cảnh vật ngay trước mắt mình như hoè lục, thạch lựu, hồng liên trì. Sau đó nhà thơ cảm nhận cảnh vật ở xa qua âm thanh quen thuộc của cuộc sống vọng về từ một làng chài nào đấy. Từ cảm xúc với thiên nhiên và cuộc sống lao động, nhà thơ đồng cảm, thương xót cho nỗi vất vả, cơ cực của nhân dân đồng thời mong muốn được cây đàn vua Ngưu để gảy khúc Nam Phong cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
=> Tâm hồn của Nguyễn Trãi là tâm hồn của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Luôn mở rộng với thiên nhiên trong tình yêu mến, chan hoà, gắn bó với cuộc sống, thấu hiểu, trân trọng giá trị lao động và đồng cảm với nhân dân.