Cảm nhận thế hệ trẻ trong Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)
Có một thời đại dù đã xa nhưng mỗi lần nhắc đến là bừng cháy lên màu cờ rực lửa. Có một cái tên đã đi vào lịch sử hào hùng và gắn với chiến công oanh liệt – Trường Sơn- con đường huyền thoại, con đường được mở bằng máu và hoa. Ở đó có dấu chân biết bao thế hệ trẻ đi qua, những người lính ung dung trên chiếc xe không kính hay các cô gái mở đường lấp hố bom đều góp vào bản hùng ca nhưng cũng khúc tình ca muôn thuở. Lê Minh Khuê góp một tiếng nói trong trẻo, đầy nữ tính của một nhà văn trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi. Tác phẩm đã thành công khi khắc họa bức chân dung của một thế hệ anh hùng thông qua ba cô gái thanh niên xung phong từ đó làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của thế hệ trẻ trong giai đoạn ác liệt nhất của thời đại.
Cùng chung đề tài viết về cuộc sống và chiến đấu của thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, Lê Minh Khuê đã đưa ngòi bút của mình đào sâu vào đời sống nội tâm của những cô gái xuất thân từ Hà Nội hào hoa để từ đó người đọc cảm nhận được chiều sâu vẻ đẹp của thế hệ trẻ trên tuyến đường máu trong những năm bom Mỹ dội nát mặt đường. Từng là một thanh niên xung phong với nhiều năm bám trụ trên những cung đường chiến đấu ác liệt nhất nên tác phẩm của Lê Minh Khuê đều mang đậm dấu ấn của cuộc chiến và vùng núi Trường Sơn. Những ngôi sao xa xôi được sáng tác năm 1971 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang dữ dội. Truyện được trần thuật theo ngôi thứ nhất, qua lời kể của Phương Định cũng là nhân vật chính. Cách lựa chọn ngôi kể này phù hợp với cái nhìn đầy nội tâm của nhà văn, thuận lợi cho việc khám phá thế giới bí ẩn tươi đẹp trong tâm hồn của mỗi cô gái trẻ. Đồng thời cũng giúp cảm xúc được bộc lộ tự nhiên, sinh động.
Không chú trọng vào diễn biến và tình tiết, Những ngôi sao xa xôi tập trung khắc hoạ đời sống tinh thần và lòng quả cảm của ba cô gái thanh niên xung phong Phương Định, Thao, Nho. Vì thế mà truyện ngắn của Lê Minh Khuê có cốt truyện khá đơn giản. Ba cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom ở một cao điểm trong thời kỳ cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang diễn ra khốc liệt. Ba nữ thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát khi địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm. Mặc dù vậy, cuộc sống của họ vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Thao và Phương Định hết lòng chăm sóc. Một cơn mưa đá bất chợt rơi trên cao điểm khiến ba cô gái rất thích thú, Phương Định nhìn mưa nghĩ về quê nhà, nhớ về kỷ niệm thời còn đi học.
Ấn tượng sâu đậm mà nhà văn để lại cho người đọc qua tác phẩm không phải nằm ở sự khốc liệt của chiến tranh mà hình ảnh những cô gái dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao, tâm hồn trong sáng, mộng mơ và nhạy cảm. Tất cả đều được tập trung qua nhân vật Phương Định.
Ba cô gái Phương Định, Thao, Nho sống và chiến đấu trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đó là một cái hang sâu dưới chân cao điểm, tại một vùng trọng điểm ngay trên tuyến đường Trường Sơn. Nơi ấy, hằng ngày đều tập trung bom đạn của Mỹ dội xuống. Nhìn con đường cũng đủ gợi về mức độ nguy hiểm. “Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất”. Không gian sực nức mùi của chiến tranh, mùi của thần chết đang rình rập. Ấy vậy mà công việc của các cô lại càng hiểm nguy hơn. Các cô phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Nhiệm vụ của họ đâu chỉ là gian khổ mà còn phải đối mặt với mạo hiểm với cái chết. Trong lúc làm việc luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức. Có thể gọi các cô như Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng gọi tên Em, những người con gái dù có tên hay không tên đều chung một lòng, một sức cứu con đường để đoàn xe các anh lính kịp giờ ra trận.
“Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom…”
(Khoảng trời, hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ)
Những cô gái trong tổ trinh sát mặt đường, có cùng xuất thân là những cô gái Hà Nội. Khi miền Nam bừng cháy lửa của đạn bom thì Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng đời sống mới. Hà Nội thiêng liêng, Hà Nội hào hoa trong đáy mắt của người lính trẻ xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của miền Nam. Hà Nội trong xanh mùa thu và thơm lừng hương cốm để nhẹ nhàng lưu giữ trong lòng người ra đi một khoảng trời bình yên có nắng, lá rơi đầy.
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng, lá rơi đầy”
(Đất Nước – Nguyễn Đình Thi)
Thế đấy” Hà Nội nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp ngời sáng phẩm chất của lớp trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ba cô gái Phương Định, Thao, Nho dù mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một tính cách riêng nhưng điểm chung ở họ đều xuất phát từ ngọn lửa của tinh thần nhiệt huyết, của sức trẻ đang sục sôi mong muốn được cống hiến, được góp mình vào công cuộc thống nhất đất nước. Ý thức trách nhiệm của thế hệ mình đang gánh vác không cho phép các cô gái chùn bước, lùi chân với khó khăn. Cũng chẳng cần ai bắt buộc, họ tự nguyện hi sinh khoảng đời thơ mộng vào chiến trường miền Nam, tự nguyện gắn bó với nhau trong tình đồng đội, tình chị em máu thịt, chia sớt cho nhau từng bát cơm, tấm áo. Ba cô gái thanh niên xung phong cũng giống như bao đồng đội của mình, họ trước hết là những chiến sĩ dũng cảm, kiên trung với lý tưởng cách mạng. Trong công việc luôn quyết tử để hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần bất chấp mọi hiểm nguy, không sợ hy sinh được tiếp lửa từ thế hệ cha anh và càng phát huy hơn nữa vẻ đẹp của sức trẻ thời đại mới. Cùng sống, cùng gắn bó nên ở các cô gái ta thấy được sức mạnh của tinh thần lạc quan, sự trẻ trung yêu đời như những ngôi sao nối tiếp nhau, toả ánh sáng để rạng ngời gương mặt nhau. Không chỉ thế, Phương Định, Thao, Nho giống nhau ở tâm hồn giàu cảm xúc của những cô gái đang tuổi xuân thì. Họ dễ xúc động, nhạy cảm trước biến đổi của cuộc sống, biết mơ mộng, yêu thương và cũng có những lúc trầm tư để ngẫm nghĩ về bản thân. Ba cô gái rất thích làm đẹp, biết cách sống trong những giây phút thư giãn nơi chiến trường.Chị Thao rất thích chép bài hát, chép cả lời hát bịa của Phương Định. Còn Nho thích thêu thùa. Phương Định, những lúc rảnh rỗi lại thích ngắm mình trong gương hay ngồi bó gối mơ màng. Đó là nét đẹp lãng mạn trong khói lửa chiến tranh, là sức sống dâng tràn mặc mưa bom bão đạn.
Nếu ví ba cô gái thanh niên xung phong là ba bông hoa rực rỡ trên tuyến lửa thì mỗi bông hoa có một sắc màu riêng, có một diện mạo riêng. Thông qua cái nhìn trìu mến đầy tình thân ái của Phương Định, chị Thao hiện ra là một tiểu đội trưởng đầy bản lĩnh của người chị cả. Với sự bình tỉnh đến gan góc của mình, chị Thao không hề tỏ ra sợ hãi trước hiểm nguy “những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực”. Có lẽ tính cách kiên định này đã giúp chị Thao hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách chính xác, hiệu quả. Vẻ bề ngoài gai góc như thế nhưng thật ra chị Thao lại có nhiều nét rất nữ tính. Chị thích tỉa lông mày, nhiều lúc tỉa nhỏ đến như cái tăm. Thích ghi chép bài hát vào cuốn sổ tay, áo lót của chị cái này cũng thêu chỉ màu. Dù không phải người yếu đuối nhưng thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét.
Trong khi đó, cô em út Nho lại đáng yêu như cái tên của mình. Nho ấn tượng bởi cách ví von của Phương Định “mát mẻ như một que kem”. Tính cách của Nho trẻ con, thích mút kẹo, hằng ngày luôn được hai người chị cưng chiều như một đứa em út bé bỏng cần sự chở che. Tuy vậy Nho lại rất dũng cảm, đủ bản lĩnh để đảm đương phần việc khó “Nho hai quả dưới lòng đường”. Lúc bị thương, Nho vẫn thản nhiên đòi uống nước, nghịch ngợm khi cơn mưa đá bất chợt đến. Cả ước mơ cũng bình dị đáng yêu. “Xong chiến tranh, sẽ xin vào một nhà máy thuỷ điện lớn. Nó làm thợ hàn, sẽ trở thành cầu thủ bóng chuyền của nhà máy. Nó sẽ đập thật giỏi. Và biết đâu lại sẽ được người ta tuyển vào đội bóng chuyền miền Bắc”.
Thế giới bí ẩn của những ngôi sao xa luôn tạo ra sự thu hút đặc biệt đối với nhà văn. Chính Lê Minh Khuê đã từng tâm sự “tôi hạnh phúc vì được sống trong thời đại ấy”. Cái thời đại mà nhà văn nhắc đến là thời đại của những tâm hồn tự do dù ngoài kia là bom đạn. Phương Định chính là cô gái sở hữu nét tính cách đặc trưng của những cô gái Hà Nội vừa dịu dàng thiếu nữ vừa dữ dội anh hùng. Phương Định từng có một thời học sinh vô tư dưới mái trường, hồn nhiên bên đám bạn và ung dung sống trong vòng tay của mẹ. Tâm hồn trong trẻo của cô được nuôi dưỡng trong một căn buồng nho nhỏ ở một góc phố yên tĩnh giữa thủ đô. Có lẽ chính ký ức tươi đẹp ấy như dòng suối mát thanh lọc tâm hồn cô gái trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh.
Lê Minh Khuê không đặc tả ngoại hình của Phương Định mà để cho chính nhân vật đánh giá mình. “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa kèn”. Như thế để thấy được Phương Định luôn ý thức về ngoại hình, có chút chú tâm đến vẻ bên ngoài, dù kiêu ngầm nhưng đó không phải là điều xấu mà chỉ bộc lộ nét đáng yêu của các cô gái. Đẹp nhất vẫn là đôi mắt. Phương Định không trực tiếp tả về mắt mình nhưng thông qua lời nhận xét của các anh lính lái xe “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!” chúng ta có thể hình dung được một đôi mắt rạng ngời như ánh sao giữa bầu trời vừa gần đó nhưng cũng vừa xa đó, khó mà nắm bắt, long lanh ánh nhìn làm cho người đối diện phải xao xuyến.
Điều lôi cuốn ở Phương Định đâu chỉ là vẻ ngoài mà còn là vẻ đẹp hồn nhiên, trong trẻo nơi tâm hồn. Một nụ hoa xinh tươi đứng giữa thử thách hiểm nguy, hằng ngày đối diện với mất mát, hy sinh nhưng chưa bao giờ Phương Định đánh mất niềm tin tưởng, sự lạc quan và những ước mơ cháy bỏng. Tâm hồn cô vẫn có chỗ đứng cho nét lãng mạn tuổi đôi mươi. “Tôi thích nhiều bài hát. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Thích Ca-chiu-sa của hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh …”. Đó là dân ca Ý trữ tình giàu có, phải lấy giọng thật trầm. Thích nhiều”. Đặc biệt là khi cơn mưa đá bất ngờ đến, tâm hồn Phương Định ánh lên những tia sáng lấp lánh của niềm hy vọng. Trong suốt truyện, có lẽ chất thơ tập trung nhiều nhất vẫn là đoạn cảm xúc của Phương Định trước cơn mưa đá. Mưa đã phủ lên hiện thực khốc liệt của chiến trường một lớp sương mờ ảo, tạm che đi lớp bụi đỏ, đẩy lùi tiếng động cơ phản lực và phá tan cái im lặng đến đáng sợ trong giờ phút phá bom. Đâu chỉ cuốn trôi đi sự căng thẳng, ngột ngạt đến ngừng thở của không gian, mưa đá còn khơi những cảm xúc vui sướng bất tận trên gương mặt của ba cô gái trẻ. Niềm vui con trẻ ấy tưởng chừng đã mất đi bỗng trở về đông đầy không chút vướng bận âu lo. Có thể gọi niềm vui ấy chính là hương sắc của tâm hồn mơ mộng, đa cảm nơi Phương Định.
Trong trái tim của người con gái trẻ còn dành phần nhiều cho tình yêu thương, sự gắn kết máu thịt với mọi người xung quanh và với quê hương. Phương Định yên mến những người đồng đội trong tổ trinh sát mặt đường của mình và cả đơn vị nữa. Khi Nho bị thương vì sức ép của bom, Phương Định đã lo lắng, cuống cuồng cứu bạn và chăm sóc cho Nho hết sức chu đáo. Đối với chị Thao, Phương Định dành tất cả sự cảm phục, yêu kính như một người chị ruột. Cô còn dành tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình cho tất cả những người chiến sĩ mà cô gặp hằng đêm trên trọng điểm của con đường vào mặt trận. Cô đã bộc bạch lòng mình: “Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Sự thuỷ chung với quê hương là một trong những đức tính làm nên thế hệ thanh niên xung phong. Ở xa Hà Nội, Phương Định không nguôi nỗi nhớ về từng con đường, hàng cây, góc phố, từng xe bán kem và nhớ cả những ngôi sao xa xôi trên bầu trời Hà Nội. Một tình người tha thiết hài hoà với tình yêu rộng lớn dành cho dân tộc đã thôi thúc Phương Định và bao bạn bè, đồng chí khác lên đường.
“Ai biết chăng dù ta có chết
Cho ngày mai, cho đất nước tự do
Thì trong ta vẫn trọn niềm mơ
Và trọn vẹn cả tình thương chung thủy…”
(Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm)
Là một chiến sĩ phá bom trong tổ trinh sát mặt đường, Phương Định bộc lộ bản thân là một cô gái giàu lòng tự trọng trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh. Phẩm chất đó của Phương Định đã được thể hiện rõ qua từng ý nghĩ, hành động trong một lần phá bom. Lê Minh Khuê miêu tả cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác dù chỉ là thoáng qua. Công việc phá bom đã trở thành quen thuộc, mỗi ngày có thể đến tận năm quả bom. Tuy nhiên mỗi lần đứng trước một quả bom nổ chậm thì cũng giống như đứng trước một thử thách cam go.Mỗi lần phá bom Phương Định lại có cảm giác là “Các anh cao xạ” ở trên kia đang dõi theo từng động tác, cử chỉ của cô. Cô hiểu các anh “không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Và lòng tự trọng đã kích thích lòng dũng cảm của cô giúp cố lấy được tư thế “tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom..”.
Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của cô cũng trở nên sắc nhọn hơn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Sau khi đã đặt mìn cạnh quả bom chạy về nơi ẩn nấp cô căng thẳng chờ quả bom nổ”. Nhà văn đã thật tài tình để từ cảm giác thực của Phương Định khi đối diện quả bom không hẹn trước, người đọc cảm nhận được cái rùng mình và càng khâm phục sự bình tĩnh, gan dạ của cô. Phương Định có nghĩ đến cái chết nhưng ấy chỉ là ý nghĩa thoáng qua, mờ nhạt. Điều mà cô quan tâm lúc này là liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai. Phương Định đã cho chúng ta có cái nhìn thật gần hơn về nét đẹp hào hoa, lãng mạn nhưng cũng rất anh hùng của các chàng trai, cô gái ngày đêm trên tuyến đường huyết mạch dệt nên kỳ tích cho đất nước. Đến đây, ta tìm thấy một bóng dáng của cô Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của nhà văn Nguyễn Minh Châu, một cô gái đến từ Thạch Kim hay Thạch Nhọn qua cái nhìn cảm mến của Phạm Tiến Duật.
“Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim, Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều”
(Gửi em, cô thanh niên xung phong)
Với lối kể chuyện tự nhiên, mạch truyện phát triển theo dòng suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật, đan xen giữa hiện tại và quá khứ, đặc biệt là việc xây dựng tính cách nhân vật đa dạng nhưng nhất quán đã tạo nên sự thành công của truyện ngắn. “Những ngôi sao xa xôi” đúng như ý nghĩa nhan đề, câu truyện vẽ nên một bầu trời sao thật sáng, thật lung linh và thơ mộng thông qua ba ngôi sao cụ thể Phương Định, Thao, Nho. Bầu trời ấy là khoảng thời gian yên bình, hạnh phúc, là ký ức tươi đẹp được cất giấu trong tâm trí để từng mảng hiện lên như nhắc nhở, như động viên con người biết sống xa nhau, biết vì Tổ quốc mà hoá tình cảm cá nhân thành tình yêu dân tộc, biết sống tự trọng, có trách nhiệm với non sông. Những ngôi sao ấy còn là biểu tượng của tâm hồn tươi trẻ, mơ mộng của các cô gái luôn biết cách sống, biết cách tỏa sáng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Như những “Bông hoa trên tuyến lửa”, đời sống của các cô hoàn toàn đối lập với chiến tranh ác liệt. Tội ác của kẻ thù và sự mất mát, đau buồn dường như lu mờ trước ước vọng cao đẹp của những tấm áo xanh. Những ngôi sao ấy, dù bé nhỏ thôi vẫn âm thầm tỏa sáng trên bầu trời đất nước. Hễ một ngôi sao vụt tắt thì đã có vì sao khác thay mình. Phải chăng nhan đề của tác phẩm cũng là dụng ý mà nhà văn muốn gửi gắm cho thế hệ trẻ sau này. Nếu không phải là mặt trời bừng sáng thì hãy biến đời mình thành những ngôi sao.
Góp mặt trong việc dựng lại dấu ấn oanh liệt của thời đại, truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi đã tạo cho mình chỗ đứng và dáng vẻ riêng. Câu chuyện vượt qua ngoài khả năng tái hiện chiến tranh, gieo vào lòng người một hạt mầm của niềm tin mãnh liệt và niềm hi vọng sáng trong như những ngôi sao diệu kỳ. Chính lý tưởng sống tươi đẹp đã tạo nên sức mạnh quật cường, sự quả cảm, lòng kiên định của thế hệ trẻ. Tinh thần ấy đến hôm nay càng nên được tiếp nối và phát huy để sự yên bình của dân tộc mãi là bản trường ca bất tận.