ĐỌC KẾT NỐI CHỦ ĐIỂM
ĐẤT NƯỚC
Nguyễn Đình Thi
Sau khi đọc
Câu 1. Không gian của “những ngày thu đã xa” được tái hiện qua những hình ảnh nào trong văn bản trên? Hãy ghi lại những hình dung, tưởng tượng mà các hình ảnh thơ ấy gợi ra cho bạn.
Gợi ý trả lời: Những hình ảnh tái hiện không gian:
“Sáng mát trong”, “gió thổi” , “hương cốm mới”, “sáng chớm lạnh”, “phố dài xao xác hơi may”, “nắng lá rơi đầy”.
Các hình ảnh thơ ấy gợi ra cho em một khung cảnh thiên nhiên mùa thu đậm đà Hà Nội. Một mùa thu thân thuộc có không khí mát trong, có đặc trưng hương cốm và có những con đường dài dầy lá rụng. Cảnh vật đẹp nhưng phảng phất nỗi buồn man mác.
Câu 2. Hình ảnh “mùa thu nay” khác gì với “những ngày thu đã xa”? Theo bạn, điều gì làm nên sự khác biệt đó?
Gợi ý trả lời:
Cảnh sắc thiên nhiên của “mùa thu nay” đã có những đổi khác hơn xưa:
- “Mùa thu thay áo mới”, “trong biếc” => vui tươi, trong trẻo, đổi mới
- “núi đồi”, “rừng tre”, “trời”, “ngã đường”, “cánh đồng”…=> không gian rộng mở, đầy sức sống
- “nói cười thiết tha” => âm thanh vui tươi, rộn rã
- Điều làm nên sự khác biệt ở mùa thu nay và mùa thu xưa là do tâm trạng chủ thể trữ tình đang lạc quan, tinh tưởng vào chiến thắng của dân tộc, vào một ngày độc lập tự do.
Câu 3. Xác định và nêu hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
Gợi ý trả lời:
Biện pháp tu từ:
- Phép điệp: điệp từ “đây, là, của, chúng ta, những”, điệp ngữ “của chúng ta”, điệp cấu trúc “trời xanh đây là của…, núi rừng đây là của…”
- Phép liệt kê: trời xanh đây, núi rừng đây, những cánh đồng, những ngả đường, những dòng sông
- Tác dụng: tạo sự dồn dập trong nhịp thơ, giọng điệu trở nên vui tươi, phấn khởi thích hợp thể hiện niềm hạnh phúc, tự hào khi làm chủ đất nước, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời mình.
Câu 4. Đọc lại bốn dòng cuối của đoạn trích và cho biết: tiếng của “những buổi ngày xưa vọng nói về” gửi gắm thông điệp gì đến chúng ta?
Gợi ý trả lời:
“Những buổi ngày xưa vọng nói về” tác giả đang nhắc đến tiếng nói của cha ông, thế hệ người đi trước đã cống hiến làm nên đất nước mình. Vì thế thông điệp mà tác giả muốn nói đến trong câu thơ là nhắc nhở thế hệ hôm nay đừng quên ân nghĩa, sự hy sinh của người đi trước. Trong mỗi mảnh đất, bờ ao, dòng sông đều có hình hài, xương máu cha ông. Phải biết sống thuỷ chung, kế thừa truyền thống người đi trước và làm tấm gương cho mai sau.