BÀI 9
KHÁT VỌNG ĐỘC LẬP VÀ TỰ DO
VĂN BẢN NGHỊ LUẬN
VĂN BẢN 1
HỊCH TƯỚNG SĨ
Trần Quốc Tuấn
Trước khi đọc
Bạn hãy sưu tầm tư liệu, hình ảnh, phim tài liệu, giai thoại,… để chia sẻ với các thành viên trong lớp về chủ đề:
- Hào khí Đông A của quân dân nhà Trần trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên.
- Tài và đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Gợi ý trả lời:
1:
Quân đội Nhà Trần
Về phía Đại Việt, các vương tôn nhà Trần được lệnh tuyển thêm quân vào các lực lượng riêng của mình. Quân đội liên tục được tập trận. Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1282, ngay sau khi nhận được tin tình báo về ý đồ của nhà Nguyên, vua Trần đã triệu tập một hội nghị quân sự tại Bình Than để “bàn kế đánh phòng” và “chia quân giữ nơi hiểm yếu”.Tất cả các tướng lĩnh phạm tội, như Trần Khánh Dư, đều được tha tội để đến hội nghị bàn việc. Đại Việt sử kí toàn thư chép việc Trần Quốc oản vì nhỏ tuổi không được dự Hội nghị Bình Than đã tức giận bóp nát quả cam.
Trần Quốc Tuấn đã viết Hịch tướng sĩ để nâng cao tinh thần của quân sĩ. Nhiều chiến sĩ Đại Việt đã xăm hai chữ Sát Thát Chữ Hán: 殺韃. Sát nghĩa là “giết”, còn Thát chỉ người Mông Cổ) vào tay để thể hiện quyết tâm chiến đấu của mình.
Đến tháng 12 năm Giáp Thân (tháng 1 đầu tháng 2 năm 1285), Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông đã mời những bậc tuổi cao có uy tín trong cả nước về điện Diên Hồng ở kinh đô Thăng Long để trình bày chủ trương của triều đình. Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng, trong Hội nghị Diên Hồng khi được vua hỏi có nên đánh lại quân Nguyên hay không, thì các phụ lão đã “vạn người cùng nói như từ một miệng”: “Đánh!”.
Trần Quốc Tuấn được phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh tất cả các lực lượng vũ trang của Đại Việt, Trần Quang Khải được phong chức Thượng tướng thái sư. Quân đội Đại Việt được điều động rất đông lên phòng ngự ở biên giới, nhất là ở khu vực Lạng Sơn ngày nay. Bản doanh của Trần Quốc Tuấn đóng ở ải Nội Bàng (khoảng thị trấn Chũ và xã Bình Nội của Bắc Giang ngày nay).
Trong Binh Thư Yếu Lược Trần Quốc Tuấn viết: “Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng”. Điều đó đồng nghĩa với việc làm cách nào để có được chiến thắng cuối cùng mới là điều quan trọng nhất, còn thắng bại trong các trận đánh chỉ là phụ. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông dưới sự chỉ đạo của ông cũng tiến hành theo nguyên tắc trên. Với sức mạnh áp đảo, quân Nguyên muốn đánh nhanh, thắng nhanh. Trần Quốc Tuấn hiểu rằng, đối đầu trực diện là trúng với ý đồ của đối phương, trong khi những đội quân muốn đánh nhanh thắng nhanh thường có một nhược điểm chí tử: đó là công tác hậu cần không thể đảm bảo lâu dài.
Do vậy Trần Quốc Tuấn đã chọn chiến lược: chuyển từ trực tiếp đối đầu với quân Nguyên sang lui binh, thực hiện vườn không nhà trống để triệt nguồn cung ứng lương thảo của quân Nguyên. Kế hoạch vườn không nhà trống được thực hiện ráo riết, trong đó có sự giúp đỡ của các tông thất nhà Trần. Phu nhân của Trần Quốc Tuấn, công chúa Thiên Thành đã góp không ít công sức trong cuộc di tản người dân, ổn định tình thế. Cứ thế, quân Trần tránh đụng độ với địch trong nhiều tháng, chờ địch suy yếu do thiếu lương và suy sụp ý chí, lúc đó ông mới tập trung quân phản công để giành thắng lợi quyết định.
- Giai thoại về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Tháng 6, ngày 24, sao sa.
Hưng Đạo Đại Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng:
– Nếu có điều chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?
Vương trả lời:
– Ngày xưa Triệu Vũ [1] dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế “thanh dã [2]”, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ [3] mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lí mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lí Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh [4] là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, vì vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước cùng nhà góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản (binh) chế trường (trận) là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cần thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tuỳ thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.
Quốc Tuấn là con An Sinh Vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. An Sinh Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng [5], mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, An Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng:
– Con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.
Quốc Tuấn ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.
Đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông:
– Làm kế ấy tuy được phú quý một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt [6] làm thầy mà thôi!
Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người.
Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương:
– Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?
Hưng Vũ Vương trả lời:
– Dẫu khác họ cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ!
Quốc Tuấn ngầm cho là phải.
Lại một hôm Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa:
– Tống Thái Tổ [7] vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.
Quốc Tuấn rút gươm kể tội:
– Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra.
Định giết Quốc Tảng. Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây ông dặn Hưng Vũ Vương:
– Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng.
Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ [8] của Quốc Tuấn, ví ông với Thượng phụ [9] ngày xưa. Lại vì ông có công lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước rồi tâu sau. Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi giặc Hồ vào cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không dám cho họ chức lang tướng thực, ông kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy đấy.
Quốc Tuấn lại từng soạn sách để khích lệ tướng sĩ dưới quyền, dẫn chuyện Kỉ Tín chết thay để cứu thoát Hán Cao [10], Do Vu [11] giơ lưng chịu giáo để cứu Sở Tử[12]. Thế là dạy đạo trung đó.
Khi sắp mất, ông dặn con rằng:
– Ta chết thì phải hoả táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau mục.
Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai hoạ đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất như thế đấy.
Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đo. Bọn Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là một môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự, bởi vì ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy. Xem như khi Thánh Tông vờ bảo Quốc Tuấn rằng: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”, Quốc Tuấn trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Vì thế, đời Trùng Hưng lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên. Sau khi mất rồi, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn, dịch bệnh, nhiều người cầu đảo ông. Đến nay, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn.
Quốc Tuấn từng soạn sách Binh gia điệu li yếu lược để dạy các tì tướng /…/ Quốc Tuấn lại sưu tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
[1] Triệu Vũ: Triệu Vũ Đế, tức Triệu Đà, có lúc được coi là vua nước ta từ năm 208 đến năm 137 tr.CN.
[2] Thanh dã: làm vườn không nhà trống, khiến quân xâm lược tới không có một nguồn hậu cần tại chỗ nào.
[3] Bình Lỗ: thành luỹ xưa thuộc tỉnh Thái Nguyên.
[4] Mai Lĩnh: đèo ở phía Nam Trung Quốc.
[5] Chiêu Lăng: tức Trần Thái Tông.
[6] Sở Chiêu Vương chạy loạn ra nước ngoài, có người làm thịt dê tên là Duyệt đi theo. Sau Chiêu Vương phục nghiệp, trở về nước, ban thưởng cho Duyệt. Duyệt từ chối và nói:”Nhà vua mất nước, tôi không được giết dê, nay vua về nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế là đủ, còn thưởng gì nữa”.
[7] Thái Tổ nhà Hậu Tống tên là Lưu Dụ, vốn là người làm ruộng, sau nhân dịp loạn lạc nổi lên giành được thiên hạ.
[8] Sinh từ: đền thờ người còn sống, dành cho những người có công lao đức độ lớn trong việc cứu nước, giúp dân.
[9] Thượng phụ: Lã Vọng, giúp Chu Vũ Vương giành được thiên hạ, Vũ Vương tôn làm thầy, gọi là Thượng phụ.
[10] Hán Cao Tổ bị Hạng Vũ bao vây, bề tôi là Kỉ Tín giả làm Han Cao Tổ ra hàng, bị Hạng Vũ giết, Cao Tổ nhờ đó thoát nạn.
[11] Do Vu: bề tôi của Sở Chiêu Vương thời Xuân Thu.
[12] Sở Tử: Sở Chiêu Vương, lúc lánh nạn ở trọ, bị kẻ cướp đâm. Do Vu đã giơ lưng ra chịu đâm để cứu Sở Chiêu Vương.
Đại Việt sử kí toàn thư là bộ chính sử lớn của Việt Nam thời trung đại do Ngô Sĩ Liên biên soạn, hoàn tất năm 1479, gồm 15 quyển, ghi chép lịch sử từ thời Hồng Bàng cho đến khi Lê Thái Tổ lên ngôi (năm 1428). Theo lời tựa của chính tác giả ở đầu tập sách thì Đại Việt sử kí toàn thư được biên soạn dựa trên cơ sở sách Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu ở thời Trần và Sử kí tục biên của Phan Chu Tiên ở đầu thời Hậu Lê. Tác phẩm thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, vừa có giá trị sử học vừa có giá trị văn học.
HOÀNG VĂN LÂU dịch
(Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985)
Đọc văn bản
- Những nhân vật lịch sử được nêu ở phần 1 có điểm gì chung?
Gợi ý trả lời: Những nhân vật nêu ở phần 1 như: Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng…đều là người của thời trước, ai cũng nghe danh. Họ đều là người tận lực, tận trung quyết lấy cái chết để bảo vệ chủ soái, bảo vệ đất nước. Họ là những tấm gương sáng về lòng trung thành, dũng cảm.
- Trong phần 2, tác giả đã sử dụng từ ngữ, hình ảnh, câu văn nào để bày tỏ tình cảm của bản thân?
Gợi ý trả lời:
– Dùng những từ ngữ với thái độ khinh thường, căm thù: “lưỡi cú diều”, “thân dê chó” để nói về quân Mông Nguyên
– Câu văn so sánh: “Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau! Bộc lộ nỗi lo lắng không yên của tác giả.
– “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”
Bộc lộ nỗi căm phần tột đột, nỗi lo lắng không yên khi chưa thể trả thù nhà, đền nợ nước.
- Giọng điệu ở phần 3 là người trên nói với kẻ dưới hay là lời người đồng cảnh ngộ?
Gợi ý trả lời: Giọng điệu ở phần 3 vừa là giọng kiên quyết, nghiêm khắc của người trên nói với kẻ dưới vừa thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảnh ngộ.
Sau khi đọc
Câu 1. Tóm tắt các phần của Hịch tướng sĩ và chỉ ra hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng của văn bản theo mẫu sau (làm vào vở):
Gợi ý trả lời:
STT | Luận điểm | Lí lẽ và bằng chứng |
1 | Những tấm gương trung nghĩa đời trước | Lí lẽ: từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước đời nào cũng có, được lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ
Dẫn chứng: Những tấm gương trung thần nghĩa sĩ: Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng, Kính Đức, Cảo Khanh, Vương Công Kiên, Nguyễn Văn Lập, Cốt Đãi Ngột Lang, Xích Tu Tư.
|
2 | Lòng căm tức, phẫn nộ của Trần Quốc Tuấn khi chứng kiến tội ác của giặc Mông Nguyên | Lí lẽ 1: ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan
Dẫn chứng 1: sứ giặc nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phu Lí lẽ 2: chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng |
3 | Lên án phê phán những hành động, suy nghĩ sai trái của binh sĩ đồng thời khẳng định đâu mới là điều đúng đắn trong lúc này. | Lí lẽ 1: nhắc lại ân tình của chủ soái với binh sĩ, so sánh với tấm gương ngày trước
Lí lẽ 2: Phê phán sự thờ ơ, vô trách nhiệm, ham thích thú riêng của binh sĩ và tác hại. Dẫn chứng 2: “nhìn chủ nhục mà không biết lo”, “hầu quân giặc mà không biết tức”, “nghe nhạc thái thường để đãi yến nguỵ mà không biết căm”..”cựa gà trống không làm thủng áo giáp của giặc”, “mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh”.. Lí lẽ 3: Khẳng định thành quả của việc làm đúng đắn trước mắt để mang lợi ích về cho bản thân, nước nước. Dẫn chứng 3: “thái ấp ta vững bền, bỗng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ”, “gai quyến ta được êm ấm gối chăn..vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão”..
|
4 | Lời khích lệ binh sĩ học theo Binh thư yếu lược, rèn luyện võ nghệ để chuẩn bị đánh giặc cứu nước | Lí lẽ 1: Học theo Binh thư yếu lược là tuân the đạo thần chủ
Lí lẽ 2: Học theo Binh thư yếu lược là việc cần làm, phải làm để rửa sạch hận nước, lưu danh muôn thuở. |
Câu 2. Chỉ ra một số yếu tố biểu cảm được sử dụng trong văn bản Hịch tướng sĩ (chú ý đến giọng văn bản, hình ảnh so sánh, ẩn dụ, cấu trúc điệp, tương phản,…). Theo bạn, các yếu tố biểu cảm này có tác dụng gì?
Gợi ý trả lời:
Một số yếu tố biểu cảm được sử dụng trong văn bản Hịch tướng sĩ:
– Giọng điệu: giọng điệu tha thiết, chân thành khi bày tỏ nỗi lòng của chủ soái, đầy phẫn nộ, căm hờn khi nhắc đến tội ác của kẻ thù. Giọng nghiêm khắc, răn đe khi vói về những sai trái của các tướng sĩ, kiên quyết khi nhắc nhở các tướng sĩ nhận ra tình hình trước mắt và học theo Binh thư yếu lược.
– Hình ảnh so sánh: “Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai hoạ về sau”, “ruột đau như cắt”..
– Ẩn dụ: “dê chó”, “cú diều” chỉ quân giặc thể hiện thái độ khinh thường
– Tương phản: Hình ảnh các trung thần đời xưa xả thân vì chủ, vì nước và hình ảnh tướng sĩ thản nhiên nhìn quân giặc hống hách.Tương phản giữa kết quả khi hèn nhát ham thú riêng và kết quả khi đánh giặc, rửa nhục cho đất nước Tác dụng yếu tố biểu cảm:
=> Đối với các tướng sĩ: cảm phục trước tấm gương đời xưa, thấu hiểu tấm lòng người chủ soái, căm thù với quân Mông Nguyên, nhận ra sai lầm của bản thân mà thay đổi thái độ, khơi gợi lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước.
=> Đối với người đọc: Ngưỡng mộ, yêu kính tấm lòng vì dân vì nước, tài trí của vị anh hùng Trần Quốc Tuấn, tự hào về truyền thống chống ngoại xâm của đất nước. Biết ơn người đi trước và sống có trách nhiệm, ý thức bảo vệ quê hương, đất nước.
Câu 3. Hãy chỉ ra mục đích viết của từng phần và mục đích viết của văn bản theo sơ đồ sau (làm vào vở):
Câu 4. Cách sắp xếp các luận điểm có tác dụng như thế nào trong việc thực hiện mục đích của văn bản Hịch tướng sĩ?
Gợi ý trả lời:
Các luận điểm trong tác phẩm được sắp xếp hợp lí, chặt chẽ, phần trước làm tiền đề, cơ sở để phát triển phần sau. Mỗi luận điểm đều là khía cạnh quan trọng không thể thiếu của bài viết.
- LĐ1: Đi từ câu chuyện xưa, theo sự sùng cổ trong văn hoá trung đại, làm tiền đề để nói đến đạo nghĩa quân thần, bằng chứng xác thực cho lòng yêu nước, hy sinh vì nghĩa lớn.
- LĐ2: Nêu được cơ sở thực tiễn, vấn đề hiện tại trước mắt là đất nước đang bị xâm lăng, trình bày tội ác của kẻ thù để làm dấy lên lòng căm hận.
- LĐ3: Dựa trên cơ sở nhận thức ở LĐ1 và cơ sở thực tiễn ở LĐ2, phân tích những điều sai trái của binh sĩ và hậu quả cũng như việc cần làm và lợi ích kèm theo.
- LĐ4: Tổng kết lại mục đích quan trọng nhất của bài hịch là binh sĩ cần học theo Binh thư yếu lược.
Câu 5. Qua văn bản, Trần Quốc Tuấn đã thể hiện quan điểm như thế nào về trách nhiệm của các tướng sĩ với đất nước trong việc chống quân Mông – Nguyên xâm lược?
Gợi ý trả lời: Trần Quốc Tuấn đã thể hiện quan điểm:
Các tướng sĩ phải có trách nhiệm đối với sự an nguy của đất nước. Đó không chỉ là nghĩa vụ cần làm, bổn phận của một đấng trượng phu sống trong trời đất mà còn là việc làm xuất phát từ tình cảm cá nhân, lợi ích cá nhân. Tác giả phân tích nhiều phương diện lợi hại của tình hình thực tế từ góc nhìn của cá nhân và lợi ích chung đất nước tạo nên sự đồng thuận, nhiều chiều vừa hợp tình, vừa hợp lẽ phải. Dù bất cứ lí do nào các tướng sĩ đều nổ lực tập luyện võ nghệ, học theo Binh thư yếu lược, rèn luyện ý chí đánh giặc cứu nước.
Câu. 6 Theo bạn, hào khí Đông A đã thể hiện như thế nào trong văn bản Hịch tướng sĩ?
Gợi ý trả lời: Đông A là cách chiết tự họ Trần theo Hán Việt. Hào khí Đông A là nói đến chí khí mạnh mẽ, hào hùng của vua tôi nhà Trần, một triều đại hùng mạnh ba lần đánh đuổi Mông Nguyên với những tên tuổi đi vào lịch sử: Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản…
Trong Hịch tướng sĩ, hào khí Đông A thể hiện ở lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí chiến đấu quyết bảo vệ đất nước, tinh thần tự lập, tự cường, khát vọng hoà bình, khát vọng lập chiến công…Một điểm đặc biệt của hào khí Đông A là tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng đánh giặc. Điều này đã được Trần Quốc Tuấn phân tích rõ ràng trong Hịch tướng sĩ. Trên cương vị vừa là lời nghiêm khắc, răn đe của người trên với kẻ dưới vừa là lời tâm tình, chia sẻ của người đồng cảnh ngộ, mối liên hệ máu thịt của nhà và nước, của riêng và chung, sự ý thức về vận mệnh cá nhân và vận mệnh dân tộc.
Câu 7. Văn bản Hịch tướng sĩ gợi cho bạn suy nghĩ gì về tình yêu nước? Hãy thực hiện một sản phẩm sáng tạo (tranh minh họa, áp phích, clip ngắn,…) để thể hiện suy nghĩ của mình
Gợi ý trả lời:
Văn bản Hịch tướng sĩ gợi cho em một tình cảm rất thiêng liêng, cao quý ở mỗi con người, đó là tình yêu nước. Tình yêu nước là một biểu hiện đẹp nhất, cao nhất của sự gắn bó giữa mỗi cá nhân với quê hương, đất nước mình. Tình yêu nước xuất phát từ lòng căm thù giặc, niềm tự hào với vẻ đẹp dân tộc, khao khát đóng góp, cống hiến cho đất nước mình. Tình yêu nước không thể thiếu sự gắn bó, san sẻ, đoàn kết giữa những người cùng chung xứ sở, quê hương.
Để thực hiện sáng tạo về tình yêu nước, các em có thể dùng sở trường của mình để vẽ tranh, làm clip hoặc làm thơ, viết truyện tranh…