BÀI 8
ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI
(TRUYỆN)
VĂN BẢN 1
ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM
Trích
Đoàn Giỏi
Trước khi đọc
- Bạn từng hình dung thế nào về thiên nhiên và cuộc sống con người ở vùng đất Nam Bộ cách đây gần một thế kỉ? Hãy chia sẻ với các bạn trong lớp về điều đó.
Gợi ý trả lời: Cách đây gần một thế kỉ, thiên nhiên Nam Bộ trù phú, hoang sơ, đất rộng, người thưa. Nơi đây hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo điều kiện cho đất đai thêm phù sa màu mỡ nên cánh đồng lúa tốt tươi, cây trái sum suê. Tuy vậy nhiều nơi vẫn còn heo hút, rậm rạp chưa có dấu chân người, cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã. Con người nơi đây sống chân thành, hiền hoà, hào sảng, trọng tình nghĩa và đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong tình làng nghĩa xóm.
2. Dựa vào nhan đề Đất rừng phương Nam, bạn suy đoán xem phần văn bản dưới đây sẽ kể với bạn những chuyện gì?
Gợi ý trả lời: Dựa vào nhan đề, em nghĩ rằng văn bản sau sẽ lấy vùng đất Nam Bộ trù phú, hoang sơ làm đề tài và tái hiện một phần cuộc sống lao động, sinh hoạt của con người Nam Bộ cùng với thiên nhiên.
Đọc văn bản
- Bạn hiểu thế nào là “ăn ong”?
Gợi ý trả lời: Ăn ong là đi thu hoạch ong khi đã gác kèo trước đó
- Chú ý lời thoại và tính cách hai nhân vật An và Cò.
Gợi ý trả lời:
- Hai nhân vật này xưng hô thân thiết “mày, tao” ngang hàng nhau
- An hiện lên là cậu bé có đời sống nội tâm sâu sắc, nhạy bén và hiền lành
- Cò là cậu bé bộc trực, thật thà, vì từng trải với cuộc sống thiên nhiên nên có phần am hiểu cuộc sống hơn An, lên mặt với An.
- Việc làm kèo ong được kể lại qua điểm nhìn của ai?
Gợi ý trả lời: Việc làm kèo được kể lại qua điểm nhìn của má nuôi An
- Vì sao tía nuôi khuyên An “không nên giết ong”?
Gợi ý trả lời: Tía nuôi khuyên An “không nên giết ong” vì ông ấy đã có cách khác để đuổi ong, hơn thế nữa ông cũng muốn dạy cho các con mình sống hoà hợp với thiên nhiên, lũ ong đã cho người mật ngon thì chúng ta cũng nên cư xử cho đúng.
- Việc liên hệ, so sánh những cách nuôi ong, lấy mật khác nhau này có tác dụng gì?
Gợi ý trả lời: Việc liên hệ, so sánh những cách nuôi ong, lấy mật khác nhau để làm nổi bật việc dùng kèo gác ong như vùng U Minh rất độc đáo, đặc biệt
Sau khi đọc
Câu 1. Tóm tắt câu chuyện được kể trong văn bản trên
Gợi ý trả lời:
Một buổi sang trời đẹp, tía nuôi dẫn An và Cò đi rừng lấy mật ong. An rất hào hứng vì lần đầu tiên được đi ăn ong, cậu quan sát, cảm nhận cảnh vật xung quanh rất tinh tế. Cò tỏ ra hiểu biết và chỉ dẫn cho An cách đi rừng, những hiểu biết về loài ong, các loại chim…Thông qua câu chuyện mà An nhớ về lời má nuôi kể, An có thêm sự hiểu biết thông qua thực tế khi quan sát tía nuôi lấy mật. Cò bị ong đốt, tía nuôi không giết ong chỉ xua đuổi chúng. Sau khi lấy được đầy hai gùi mật ong, ba cha con trở về.
Câu 2. Quanh câu chuyện “đi lấy mật”, cuộc sống của thiên nhiên, con người phương Nam được cảm nhận, tái hiện qua điểm nhìn của những nhân vật nào? Các điểm nhìn này có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau như thế nào? Theo bạn, điểm nhìn của ai là quan trọng nhất? Vì sao?
Gợi ý trả lời:
- Cuộc sống, con người phương Nam được cảm nhận qua cái nhìn của nhân vật An, Cò, tía và má nuôi của An
- Cái nhìn của má nuôi, Cò và tía nuôi sẽ hỗ trợ cho cái nhìn của An thêm sâu sắc, đa dạng để từ đó An có thể hình dung, cảm nhận đầy đủ bức tranh rộng lớn, trù phú của vùng rừng U Minh.
- Theo em điểm nhìn của An là quan trọng nhất, bởi vì An là nhân vật kể chuyện, thông qua An, một cậu bé lần đầu đi rừng lấy mật háo hức, tò mò sẽ khiến cho bức tranh thiên nhiên và nội dung câu chuyện được bộc lộ theo cách tươi mới, hấp dẫn.
Câu 3. Trong văn bản trên, lời đối thoại giữa An với các nhân vật (Cò, tía nuôi, má nuôi) có tác dụng gì?
Gợi ý trả lời:
- Đoạn đối thoại giữa An và Cò: “chịu thua mày đó, tao không thấy con ong mật đâu cả”, “Bây giờ mày cứ nhìn kỹ vào khoảng cách giữa hai nhánh chàm cao kia..”
- Đoạn đối thoại cho thấy sự hồn nhiên, nghịch ngợm của hai đứa trẻ, chúng rất thân mật với nhau, ngang hàng nhau. Trong đó An tò mò, tinh tế, Cò tỏ ra mình lớn hơn hiểu biết hơn.
- Đoạn đối thoại giữa An và tía nuôi: “Đừng ! Không nên giết ong con à! Để tía đuổi nó cách khác”
- Tía nuôi muốn dạy cho con mình sự khoan dung, ôn hoà giữa con người và loài ong, qua đó cho thấy cách cư xử của con người khi sống gắn bó với thiên nhiên
- Đoạn đối thoại giữa An và mà nuôi: “Gió thổi có hướng, cây tốt cũng có vùng. Chọn được vùng rừng tốt, biết rằng đến mùa xuân tràm sẽ kết nhiều hoa…”
- Má nuôi dành cho An một tình thương ruột thịt, bà muốn dạy con những điều cần thiết trong cuộc sống.
Câu 4. Phân tích một đoạn trong lời của người kể chuyện có sự kết hợp giữa kể sự việc và miêu tả cảnh vật, thể hiện được phong vị riêng trong cuộc sống của thiên nhiên và con người phương Nam.
Gợi ý trả lời: chọn đoạn văn:
“Chim hót líu lo. Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan ra, phảng phất khắp rừng. Mấy con kì nhông nằm vươn mình phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh… Con Luốc động đậy cánh mũi, rón rén mò tới. Nghe động tiếng chân con chó săn nguy hiểm, những con vật thuộc loại bò sát bốn chân, to hơn ngón chân cái kia, liền quật chiếc đuôi dài chạy tứ tán. Con núp chỗ gốc cây thì biến thành màu xám vỏ cây. Con đeo trên tấm lá ngái thì biến ra màu xanh lá ngái.”
Phân tích: Đoạn văn có sự kết hợp giữa tự sự và miêu tả. Một số yếu tố miêu tả “Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan ra, phảng phất khắp rừng.. phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh… Nghe động tiếng chân con chó săn nguy hiểm… loại bò sát bốn chân, to hơn ngón chân cái kia ..Con núp chỗ gốc cây thì biến thành màu xám vỏ cây. Con đeo trên tấm lá ngái thì biến ra màu xanh lá ngái.”
- Đoạn văn vẽ nên một bức tranh tươi đẹp của thiên nhiên đang có sự chuyển động không ngừng theo quy luật riêng của nó. Mỗi loài vật đều góp một hình dạng, đặc tính, một màu sắc riêng biệt tạo nên sức sống hoang dã. Cảnh vật không cầu kỳ nhưng vẫn rực rỡ, đậm đà phong vị phương Nam.
Câu 5. Xác định chủ đề của văn bản và chỉ ra một số căn cứ để xác định chủ đề.
Gợi ý trả lời:
- Chủ đề của văn bản: Những trãi nghiệm thú vị của An trong một chuyến đi lấy mật cùng tía nuôi và thằng Cò từ đó hiện lên bức tranh thiên nhiên hoang sơ mà trù phú của vùng rừng U Minh nói riêng và vùng đất Tây Nam Bộ nói chung.
- Một số căn cứ: dựa vào nhan đề của chương truyện “Đi lấy mật”. Trong đoạn trích nhiều hình ảnh, câu văn đều tập trung miêu tả, kể về cảnh rừng, cảnh lấy mật. Ví dụ “ lần đầu tiên tôi theo tía nuôi và thằng Cò đi “ăn ong”, “sắp lấy mật đa”, “mật đầy cả hai gùi, tôi mang gùi mật óc ách đằng sau lưng..”
Câu 6. Chỉ ra một số điểm tương đồng, khác biệt giữa hai nhân vật Cò và An. Theo bạn, việc làm nổi bật những nét tương đồng và khác biệt ấy có tác dụng thế nào trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm?
Gợi ý trả lời: Điểm tương đồng và khác biệt giữa Cò và An:
- Điểm tương đồng: Ngang bằng tuổi nhau, còn nhỏ, hồn nhiên, quan tâm thương yêu nhau.
- Điểm khác biệt:
+ An: không có sức khoẻ dẻo dai như Cò, ăn nói lễ phép, có chừng mực, là cậu bé thông minh, nhạy cảm, có óc quan sát.
+ Cò: có sức khoẻ, cặp giò dẻo dai, thẳng thắng, hài hước, có chút lên mặt trẻ con khi hiểu về cuộc sống nhiều hơn An.
- Khi làm nổi bật những nét tương đồng, khác biệt, tác giả sẽ khắc hoạ hình ảnh từng nhân vật với nét tính cách riêng, đồng thời cũng có chung những đặc điểm của con người vùng đất Nam Bộ là hiểu biết, phóng khoáng, chân thành, bộc trực, yêu mến thiên nhiên.
Câu 7. Câu chuyện đi lấy mật giúp bạn hiểu thêm điều gì về thiên nhiên, cuộc sống, tính cách con người Nam Bộ?
Gợi ý trả lời:
Thiên nhiên vùng đất Nam Bộ xưa kia hoang dã, trù phú và rộng lớn. Con người sống găn bó với thiên nhiên, khai thác sự trù phú của thiên nhiên cho cuộc sống hằng ngày. Con người từng bước chinh phục thiên nhiên, mở đất, lập nên làng xóm, thôn ấp, nhờ lao động cần cù mà người dân Nam Bộ đã có được cuộc sống yên ổn, ấm no. Ảnh hưởng từ cuộc sống và điều kiện thiên nhiên con người Nam Bộ bộc trực, phóng khoáng, hiếu khách, chân thành và sống nghĩa tình.