VĂN BẢN 2
TÂY TIẾN
Quang Dũng
Trước khi đọc
Bạn biết gì về vùng đất Tây Bắc và những người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp? Hãy chia sẻ với mọi người.
Gợi ý trả lời:
Tây Bắc thuộc Quân khu 2 ngày nay có diện tích hơn 65.000km2 (bằng 1/5 diện tích cả nước), là địa bàn chiến lược quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do địa hình núi non trùng điệp, dân cư thưa thớt, đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn nên luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, trước sự đánh chiếm của thực dân Pháp và cả bọn nguỵ quyền, từ tháng 11-1945 đến tháng 4-1946, Bộ Tổng tham mưu điều 7 đại đội Vệ quốc đoàn lên Tây Bắc để tăng cường lực lượng đánh địch ở Sơn La và khu vực biên giới Việt – Lào nhằm giữ vững hướng chiến lược này.
Ở thời điểm này, chiến trường Tây Bắc hình thành 3 mặt trận chính: Sơn La, Yên Bái và Lào Cai, bộ đội và nhân dân đã chiến đấu ngoan cường, khắc phục muôn vàn gian khổ, thiếu thốn.
Đọc văn bản
- Từ láy “chơi vơi” giúp bạn cảm nhận như thế nào về nỗi nhớ của nhà thơ?
Gợi ý trả lời: “Chơi vơi” là một từ láy tượng hình có sức gợi tả rất lớn nỗi nhớ của nhà thơ về vùng đất Tây Tiến. Nỗi nhớ này không đầu, không cuối, không nơi neo đậu, nó cứ lơ lửng chiếm ngự cả tâm hồn nhà thơ. Nỗi nhớ dù không rõ hình dáng nhưng nó tạo ra một khoảng trống vô thức chóng ngợp của suy nghĩ của người lính đã rời xa Tây Tiến.
- Đoạn thơ này giúp bạn hình dung như thế nào về hình ảnh thiên nhiên rừng núi?
Gợi ý trả lời: Hình ảnh thiên nhiên hiện ra trong đoạn thơ nổi bật với sự hiểm trở, heo hút của địa hình vùng đồi núi liên tiếp nhau, núi cao, vực sâu. Thiên nhiên hoang sơ, rình rập những hiểm nguy của thú rừng, thời tiết khắc nghiệt. Tuy vậy vẫn có những đoạn đường, những địa danh gợi cảm giác êm ái, thơ mộng.
- Bạn cảm nhận như thế nào về hình ảnh người lính được miêu tả trong đoạn thơ? Qua đó, tác giả đã thể hiện tình cảm gì đối với người lính Tây Tiến?
Gợi ý trả lời:
Hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn thơ vừa hiện thực gai góc vừa được nâng lên thành bằng đôi cánh của lãng mạng, tạc vào tượng đài người lính kháng Pháp một vẻ đẹp rất đặc trưng. Họ sống trong gian khổ, thiếu thốn, sẵn sàng đối mặt với mất mát, hy sinh nhưng vẫn bền gan, vững chí. Giữa khói lửa đau thương vẫn giữ nét hào hoa, lịch thiệp của chàng trai Hà Nội.
- Qua việc xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến, nhà thơ gửi vào đấy nỗi nhớ về đồng đội, nhớ vùng đất nơi này. Sự thương yêu, đồng cảm và cả kính trọng với những gì họ đã trải qua.
Sau khi đọc
Câu 1: Xác định bố cục bài thơ và nội dung chính của từng đoạn. Từ đó, chỉ ra mạch cảm xúc của bài thơ.
Gợi ý trả lời:
Bố cục bài thơ:
- Đoạn 1: Từ đầu… thơm nếp xôi (14 câu đầu): Khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc hiện lên cùng nỗi nhớ của nhà thơ về vùng đất, nhớ những cuộc hành quân gian khổ.
- Đoạn 2: Tiếp theo …hoa đong đưa (8 câu tiếp theo): Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và cảnh sông nước thơ mộng.
- Đoạn 3: Tiếp theo…. độc hành (8 câu tiếp theo): Chân dung người lính Tây Tiến hiện lên rõ nét.
- Đoạn 4: Phần còn lại: Lời thề gắn bó với Tây Tiến
Mạch cảm xúc của bài thơ: mạch cảm xúc của bài thơ được khơi nguồn từ nỗi nhớ cháy bỏng, dâng trào về miền đất Tây Tiến. Từ hiện tại ngược dòng thời gian về quá khứ và cuối cùng trở lại hiện tại để nói lên lời thề non nước.
Câu 2. Liệt kê các dòng thơ trực tiếp bộc lộ tình cảm, cảm xúc của tác giả và nêu tác dụng của chúng. Xác định chủ thể trữ tình và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Gợi ý trả lời:
- Các dòng thơ bộc lộ tình cảm, cảm xúc: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!”, “Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”, “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói”, “kìa em xiêm áo tự bao giờ”,
- Tác dụng: Bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ của nhà thơ về vùng đất Tây Tiến, về những địa danh, những nơi mà đoàn quân đã từng đến. Tình quân dân thắm thiết, niềm vui, sự hào hứng trong những đêm liên hoan.
- Chủ thể trữ tình: người lính Tây Tiến
- Cảm hứng chủ đạo: Nỗi nhớ, tình thương, lòng tự hào về những người lính Tây Tiến đã trải qua một giai đoạn bi hùng, bi tráng vừa hiện thực mà cũng vừa lãng mạn.
Câu 3. Phân tích bức tranh thiên nhiên và hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trong đoạn 1. Chỉ ra một số nét đặc sắc trong cách sử dụng hình ảnh, từ ngữ, vần, nhịp của đoạn thơ.
Gợi ý trả lời:
Bức tranh thiên nhiên trong đoạn 1: thiên nhiên hiểm trở, hùng vĩ, hoang sơ
- Tên các địa danh “Tây Tiến”, “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông”, “Mường Hịch”, “Mai Châu” => gợi nên vùng đất xa xôi, heo hút ẩn chứa nhiều hiểm nguy, đồng thời cách gọi tên nhiều vùng đất như thế thể hiện được nỗi nhớ của người lính cụ thể, rõ ràng qua những vùng, những nơi đặt chân đến.
- Từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” kết hợp với những hình ảnh đặc tả “sương lấp”, “dốc”, “cồn mây” => đã gợi nên độ cao của núi và sâu của vực, đấy là địa hình hùng vĩ nhưng vô cùng hiểm trở.
- Câu thơ “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” ngắt nhịp giữa câu như bẻ đôi câu thơ => tạo ấn tượng mạnh về chiều cao của dốc và độ sâu của vực trong cái nhìn đột ngột của người lính.
- Hình ảnh nhân hoá sáng tạo “súng ngửi trời” => độ cao của núi
- Phép đối “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, cùng nhiều vần trắc => địa hình nguy hiểm, trúc trắc
- Câu thơ mang vần bằng “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” => cảm giác dịu dàng, không gian như mở ra rộng thêm, khoáng đạt
- Từ láy “chiều chiều, đêm đêm” => thời gian lặp lại, lúc nào cũng ẩn chứa hiểm nguy
- “Mường Hịch” => địa danh nặng nề như tiếng bước chân của cọp
- Câu thơ nhiều vần bằng “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” => cảm giác thư giản, cảnh đẹp thơ mộng của Tây Bắc.
Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến:
- Đối diện với thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ, nguy hiểm, người lính hiện lên kiên cường, bất chấp mọi gian khổ
- “Súng ngửi trời” => cách nhìn tếu táo đậm chất lính trẻ nghịch ngợm, trong gian khổ vẫn tìm thấy niềm vui
- Phép nói giảm nói tránh về sự hy sinh “dãi dầu không bước nữa, “gục lên súng mũ” => Người lính xem hy sinh rất nhẹ nhàng, như một giấc ngủ quên trên đường gian khổ. Dẫu có hy sinh các anh vẫn giữ tư thế sẵn sàng bên cạnh hành trang súng mũ.
- “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” => tình cảm lãng mạn, hào hoa của người lính mong muốn cuộc sống yên bình.
Câu 4. Phân tích vẻ đẹp của hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn 3. Vẻ đẹp của người lính trong đoạn này có gì khác so với đoạn 2?
Gợi ý trả lời:
Hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn 3 hiện lên chân thực, sống động với hiện thức khốc liệt của chiến trường:
- Ngoại hình kỳ dị, khác biệt “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá” => đó là hiện thực khốc liệt mà người lính phải trải qua trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên làm nên căn bệnh sốt rét rừng. Di chứng của nó là khiến cho da xanh xao, tóc rụng nhiều. Hình ảnh này còn gợi nên nét tính cách oai hùng, táo bạo, dữ dằn và yếu táo của các anh lính trong danh xưng vệ trọc.
- “Dữ oai hùm”: khí thế ngút trời sánh ngang hổ báo, chẳng chịu thua kém ai.
- Giấc mộng lập chiến công, tư thế hiên ngang “mắt trừng gửi mộng qua biên giới”
- “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”: tinh thần lãng mạn của người lính trẻ hào hoa vừa xếp bút nghiên lên đường đánh giặc.
- Coi thường sự hy sinh, xem cái chết nhẹ tợ lông hồng “áo bào thay chiếu anh về đất”,
- “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” lý tưởng hy sinh cao đẹp vì non sông, đất nước
Vẻ đẹp người lính trong đoạn thơ 2 với nét tinh nghịch, vui nhộn trong một đêm liên hoan náo nức với tiếng khèn, điệu múa. Đó là một phần tính cách trẻ trung, sôi động bộc lộ ở thời gian rảnh rỗi, thư giãn. Đoạn thơ này người lính hiện lên trần trụi khốc liệt trên đường hành quân và ra trận, có cả nỗi đau mất mát, hy sinh không gì bù đắp. Hai nét vẽ này bổ sung cho nhau giúp hình ảnh của người lính hiện lên đầy đủ, chân thực.
Câu 5. Bài thơ Tây Tiến giúp bạn hiểu thêm những gì về:
- Hình ảnh anh bộ đội và con người Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp?
- Vai trò, ý nghĩa của kí ức và kỉ niệm trong đời sống tinh thần của con người cũng như trong sáng tác thơ ca?
Gợi ý trả lời
- Anh bộ đội và con người Việt Nam trong kháng Pháp là những con người thật phi thường. Họ vượt lên trên nghịch cảnh, xem thường mọi khó khăn, thiếu thốn để quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Ở họ rạng rỡ với vẻ đẹp tinh thần kiên trung, bất khuất, anh dũng mà cũng hào hoa, lãng mạn
“Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà”
- Trong đời sống con người, ký ức, kỷ niệm sẽ là điểm tự, là động lực tinh thần để con người có thể tựa vào đấy mà bước vững vàng hơn trên con đường phía trước, trân trọng cuộc sống hôm nay. Một đời sống có quá khứ, hiện tại, tương lai thì mới là một đời sống đúng nghĩa, có chiều sâu.
Trong sáng tác, ký ức, kỷ niệm là chất liệu, là nguồn cảm hứng để từ đó người nghệ sĩ gửi gắm vào một thông điệp, một tình cảm đẹp.