HUYỆN TRÌA, ĐỀ HẦU, THẦY NGHÊU MẮC LÕM THỊ HẾN
(Trích Nghêu, Sò, Ốc, Hến – Khuyết danh)
Hướng dẫn đọc
Câu 1: Nêu các đặc điểm của tuồng đồ được thể hiện qua văn bản Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến
Gợi ý trả lời: Đặc điểm của tuồng đồ:
- Đề tài: lấy từ đời sống dân dã, tích truyện có sẵn, tình huống hài hước, nhân vật phản diện đại diện cho thói hư tật xấu như tham lam, háo sắc, giả danh. Ba nhân vật trong văn bản Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu đều là những kẻ vẻ ngoài đề huề nhưng bên trong lại thấp hèn.
- Nhân vật mang tính ước lệ, tính cách không thay đổi, thể hiện qua lời thoại và hành động. Khi xuất hiện lần đầu nhân vật đều có danh xưng giới thiệu về bản thân.
- Lời thoại: đối thoại, độc thoại và bàng thoại
Câu 2: Phân tích nguyên nhân làm nảy sinh, phát triển mâu thuẫn giữa các nhân vật và cách giải quyết mâu thuẫn trong văn bản trên
Gợi ý trả lời: nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn giữa các nhân vật là do ba người Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu đều háo sắc, muốn chiếm đoạt Thị Hến. Mỗi người đều muốn lợi dụng cơ hội để trổ mồi nhưng lại có điểm yếu khiến đối phương nắm bắt.
Cách giải quyết mâu thuẫn: Thị Hến không từ chối hay đồng ý với người nào vì khôn khéo sợ mất lòng và Thị cũng muốn dạy cho họ một bài học nên lừa họ vào cuộc hẹn, tình thế buộc họ phải trốn tránh như con rùa vừa bộc lộ điểm yếu, vừa khiến họ khiếp vía mà không tái phạm.
Câu 3: Phân tích tính cách của nhân vật Thị Hến trong lớp tuồng XIX
Gợi ý trả lời:
- Thị Hến là người phụ nữ thông minh, trải đời nên nhìn thấu tâm can của ba kẻ háo sắc, đồng thời nắm bắt được điểm yếu của họ mà tạo nên một tình huống dở cười. Cách Hến sắp xếp cho ba người họ gặp nhau trong tình cảnh mà ai cũng phải tự cúi đầu nhận tội, chẳng ai dám trách ai cho thấy Thị Hến rất khéo léo trong cách cư xử, chẳng muốn mất lòng ai mà cũng chẳng để ai hà hiếp mình, mượn gió bẻ măng dạy cho họ bài học nhớ đời.
- Thị Hến rất mực thuỷ chung, không vì Huyện Trìa phú quý hay lời ngon tiếng ngọt của hai kẻ kia mà xiêu lòng. Thị Hến quyết giữ trinh bạch thờ chồng.
Câu 4: Bình luận về tiếng cười phát ra từ tình huống mắc lỡm của các nhân vật Thầy Nghêu, Đề Hầu, Huyện Trìa trong lớp tuồng này
Gợi ý trả lời
Lớp tuồng này tạo nên một tình huống gây cười châm biếm, đả kích, phê phán đối với ba kẻ mang danh trong xã hội. Một tên quan huyện, một ông Đề Hầu cận bên, một ông thầy đội lớp sư mà lòng dạ tà tâm. Họ đều là những kẻ đạo đức giả, cá mè một lứa. Cũng vì tội háo sắc mà ba người cùng rơi vào tình thế khó xử, phải tự mình nhận tội rồi xấu hổ.
Câu 5: Ở một số dị bản khác, nhân vật Thầy Nghêu được thay bằng nhân vật lí trưởng ( Lí Hà), vở tuồng kết thúc trong cảnh các bà vợ của Huyện Trìa, Đề Hầu, Lí Hà bất ngờ xuất hiện và sỉ vả các ông chồng dại gái. Sự khác biệt giữa các dị bản giúp bạn hiểu thêm gì về đặc điểm của tuồng đồ ?
Gợi ý trả lời: Sự khác biệt giữa các dị bản cho thấy tuồng đồ có đặc điểm được truyền miệng nên sẽ xuất hiện nhiều dị bản khác nhau. Việc thêm vài chi tiết khác biệt vẫn nằm trong nội dung cốt truyện và ý nghĩa mà tác giả dân gian muốn nhắn nhủ.
Câu 6: Có người cho rằng Nghêu, Sò, Ốc , Hến có đến hai cảnh xử án, cảnh thứ nhất là do Huyện Trìa xét xử ở lớp XIII, cảnh thứ hai do Thị Hến và Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu xử lẫn nhau. Cho biết ý kiến của bạn về nhận định trên
Gợi ý trả lời: Ý kiến này rất đúng
- Cảnh xử án thứ nhất: Huyện Trìa là người cầm cán cân công lý, xử Trùm Sò vu tội cho Thị Hến. Bề ngoài là xử nghiêm minh nhưng thật ra luật lệ theo cảm tính, vì tình riêng. Kết quả của vụ án đầu là do tính háo sắc của Huyện Đề mà ra.
- Cảnh xử án thứ hai do Thị Hến sắp đặt, lúc này Thị Hến tước đi quyền hành của Huyện Trìa trong tình cảnh Huyện Trìa chẳng còn mặt mũi để ra oai. Ba người tố tội nhau rồi cũng tự họ nhận tội của mình mà không cần đòn roi. Người đưa ra phán quyết cũng là họ và người nhận hình phạt cũng là họ.
- Bài tập sáng tạo: Vẽ tranh hoặc dựng một hoạt cảnh lấy cảm hứng từ tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến
Gợi ý làm bài: Tuỳ thuộc vào năng lực, sở thích của bản thân mà chọn hình thức bài tập.