VĂN BẢN
HUYỆN TRÌA XỬ ÁN
(Trích Nghêu, sò, ốc, hến – Khuyết danh)
Trước khi đọc
Bạn biết gì về các con vật như nghêu, sò, hến, hà, hàu, trìa…? Bạn nghĩ thế nào khi tên các con vật này được dùng để đặt tên cho các nhân vật trong tác phẩm văn học.
Gợi ý trả lời: Đây đều là tên những con vật sống dưới nước, trên các bãi biển. Những con vật này rất phổ biến ở nhiều nơi đặc biệt là vùng biển miền Trung. Chọn tên gọi như thế để đặt cho nhân vật mình chính là biểu tượng của một xã hội thu nhỏ với mỗi nhân vật là mỗi nét tính cách khác nhau. Đồng thời cũng tạo ra sự gần gũi, mộc mạc của dòng văn học dân gian, tạo được tiếng cười, niềm vui mới lạ ngay trong nhan đề, tên gọi
Đọc văn bản
1: Chú ý nội dung tự giới thiệu trong lời xưng danh của nhân vật quan huyện ở đoạn này
Gợi ý trả lời:
Nội dung tự giới thiệu: “tri huyện Trìa là mỗ/ nội hạt tiếng khen khen ta..hễ đi mô cả tiếng run en/ ngồi lại đó tấc lòng buồn bực”
- Qua lời tự giới thiệu cho thấy quan huyện Trìa bên ngoài uy quyền, danh tiếng, được người đời trọng vọng, sống trong cảnh an nhàn, hưởng lạc nhưng chán nản cảnh ở nhà với vợ.
2: Chú ý mục đích xử kiện của Huyện Trìa qua lời xưng danh của nhân vật này
Gợi ý trả lời: Mục đích xử kiện của nhân vật Trìa cốt là để có cớ vòi tiền, lấy tiền đút lót của người thưa kiện chứ không phải từ tấm lòng công bằng, ngay thẳng của người làm quan. “Nhắm mắt đánh đòn phát lạc/ chỗ nào nhắm tốt tiền tốt bạc”..
3: Những điều Trùm Sò ( kẻ mất trộm) khai báo ở đây, liệu có được Huyện Trìa và Đế Hầu chú ý xét xử không ?
Gợi ý trả lời:
Những điều Trùm Sò khai báo khả năng cao là không được Huyện Trìa và Đề Hầu chú ý. Bởi vì ban đầu khi trình báo với Huyện Trìa, Đề Hầu đã có ý bênh vực Thị Hến và hướng Huyện Trìa xử phạt kẻ vu khống là Trùm Sò: “tội vu tang luật nó khó tha/ nghiệm tình trạng lẽ không nên thứ”. Riêng Huyện Trìa khi nghe trình báo và xem đơn có vẻ thờ ơ “nhìn đơn trương lẩn thẩn/ xem tình trạng lăng nhăng”..
4: Đoạn này Đề Hầu đang nói về ai ,với ai ?
Gợi ý trả lời: Đoạn này Đề Hầu đang nói về Huyện Trìa, dự định sẽ báo lại chuyện Huyện Trìa giởi thói trăng hoa cho bà huyện. Đề Hầu đang nói với chính mình.
5: Lời phán quyết này của Huyện Trìa có dựa trên sự thật và có mang lại công bằng cho các bên: Vợ chồng Trùm Sò và Thị Hến ?
Gợi ý trả lời:
Lời phán quyết này không dựa trên sự thật, chỉ mới nghe lời khai mà chưa tìm ra bằng chứng, nhân chứng vật chứng cũng chẳng cần suý xét đã kết tội thì đúng là cảm tính của Huyện Trìa. Mục đích của Huyện Trìa là bên vực Thị Hến, lấy lòng người đẹp còn bất công với vợ chồng trùm sò.
Sau khi đọc
Câu 1: Xác định đặc điểm ngôn ngữ kịch trong văn bản Huyện Trìa xử án bằng việc thực hiện yêu cầu dưới đây
- Nêu ví dụ về lời đối thoại, độc thoại, bàng thoại của nhân vật và lời chỉ dẫn sân khấu
- Cho biết nhân vật nào có số lượt lời nhiều nhất, giải thích lí do
- Chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy các lời thoại của nhân vật trong văn bản trên mang đặc điểm của thơ hoặc văn vần
- Cho biết vì sao trong lời thoại của nhân vật, một số từ ngữ lại được tách riêng ra và đặt trong ngoặc đơn. Ví dụ:
ĐỀ HẦU;(-Dạ! thưa quan bọn này)
…
HUYỆN TRÌA:
(Em) Phải năng lên hầu gần quan
(Thời) Ai dám nói vu oan gieo họa
Gợi ý trả lời:
- Ví dụ về lời đọc thoại, đối thoại, bàng thoại
- Bàng thoại: Tri huyện Trìa là mỗ/nội hạt tiếng khen khen ta/ Cầm đường ngày tháng vào ra/Hoa nguyệt hôm mai thong thả
- Đối thoại: Đề Hầu : Trộm của Trùm Sò đêm trước
Vu cho Thị Hến hôm qua
Bắt tới chốn huyện nha,
Xin ngài ra xử đoán..
Huyện Trìa: Thôi ,đây đã biết
Lựa đó phải thưa..
Đòi cả lũ vào đây
Đặng cho ta lượt vấn
- Độc thoại: Đế Hầu : -Mụ đà nên tệ
Ông Huyện cũng xằng,
Phen này ông bày mặt thú lang
Huếch với mụ ắt râu trụi lủi
- Nhân vật Huyện Trìa có số lượt lời nhiều nhất, bởi vì đây là huyện đường, xử án là việc của ông cũng chỉ có ông mới có quyền cao nhất lên tiếng.
- Lời thoại của nhân vật mang đặc điểm thơ, văn vần:
“Nỗi ức oan khôn xiết
lời ngay thẳng thưa qua
Việc làm ăn ngày tháng vào ra
Phận goá bụa hôm mai côi cút”
- Có gieo vần “qua, ra”, nhịp nhàng, tha thiết
- Một số từ ngữ tách ra đặt trong ngoặc đơn thể hiện bước đệm chuyển lời trong tuồng, bộc lộ quan điểm, tình cảm, một nét riêng của từng nhân vật.
Câu 2: Chỉ ra mâu thuẫn giữa các nhân vật trước và trong phiên tòa. Phân tích nguyên nhân làm nảy sinh, chuyển hóa mâu thuẫn đó
Gợi ý trả lời:
- Mâu thuẫn giữa Đề Hầu và Huyện Trìa trước phiên toà: “Đã biết mặt lão Đề hay nói bậy/ Mồm xà cáng vinh râu ngoe ngoét” => Huyện Trìa từ đầu đã không mấy tin tưởng, coi trọng Đề Hầu vì Đề Hầu là kẻ mồm mép, gian xảo, ninh bợ.
- Trong phiên toà: Đề Hầu nghĩ “Mụ đà nên tệ/ ông Huyện cũng xằng/ phen này ông bày mặt thú lang/ huếch với mụ ắt râu trụi lủi” => Từ lâu Đề Hầu đã chẳng tôn kính gì Huyện Đề chỉ vì chức thấp hơn nên luồn cúi thật ra vẫn ngấm ngầm trả đũa.
- Mâu thuẫn này xuất phát từ tư chất của Huyện Trìa và cả Đề Hầu đều tham lam, háo sắc, giả dối.
- Mâu thuẫn giữa Huyện Trìa và Thị Hến: Thị Hến vốn chỉ là dân đen dưới quyền của Huyện Trìa nhưng khi xuất hiện với giọng điệu ngọt ngào thì Huyện Trìa lại như dưới quyền điều binh khiển tướng của Thị Hến, bẻ cong sự thật vì Hến: “Gẫm đó đây duyên nợ/ thật trời đất đẩy đưa..”
- Mâu thuẫn này có sự chuyển hoá do tính cách háo sắc của quan huyện và sự ma mãnh của Thị Hến.
Câu 3 : Từ lời xưng danh ( bàng thoại) của Huyện Trìa và lời ông ta đối thoại với các nhân vật có trong phiên tòa, nhận xét về tính cách của nhân vật này
Gợi ý trả lời: Tính cách nhân vật Huyện Trìa: Tự cao, tự đại, thích hưởng thụ, cho mình tài giỏi có thể cậy quyền mà bẻ cong sự thật “ cao tài tật túc/ tiên đắc hữu tiền/ dân khen mỗ hữu nhân/ người đồn ta tri lý”. Ông ta còn là kẻ hám tiền, hám lợi, là một tên quan tham xử án vì tiền. “luật không hay thời ta xử theo trí/ thẳng tay một mực ăn tiền”… Không thấy tài chỉ thấy nhiều tật xấu trong đó có háo sắc “gẫm đó đây duyên nợ/ thật trời đất đẩy đưa” Điểm yếu của Huyện Trìa là tên quan sợ vợ “Phen này ông bày mặt thú lang/ huếch với mụ ắt râu trụi lủi”.
Câu 4: Bạn có nhận xét thế nào về tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện qua ngôn ngữ kịch trong Huyện Trìa xử án ?
Gợi ý trả lời:
Qua ngôn ngữ kịch của Huyện Trìa xử an cho thấy tác giả lên án, phê phán, đả kích những bộ mặt xấu của mội nhân vật. Trong tất cả những nhân vật có mặt ở buổi xử kiện ai cũng có cái xấu, cái đáng chê trách. Thị Hến dùng nhan sắc để mê hoặc lòng người, ma mãnh, Đề Hầu thì xu nịnh bên ngoài nhưng bên trong toan tính. Trùm Sò keo kiệt, bủn xỉn lại tham lam. Nổi bật nhất là Huyện Trìa tự cao, tự đại, tham lam, háo sắc lại sợ vợ.
Câu 5: Xác định đề tài và nêu cảm hứng chủ đạo của văn bản Huyện Trìa xử án. Theo bạn tích truyện của vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến lấy từ đâu ? Nêu một vài căn cứ giúp bạn nhận biết văn bản Huyện Trìa xử án ( trong vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) được sáng tác, lưu truyền theo phương thức truyền miệng
Gợi ý trả lời:
- Đề tài: lấy từ đời sống dân dã, dựng thành những câu chuyện tình huống hài hước, phê phán những thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội phong kiến tiểu nông, đặc biệt là sự bất công trong vấn đề xử án của quan lại.
- Cảm hứng chủ đạo: Trào lộng, phê phán xã hội trên lập trường đạo đức của người bình dân
- Tích truyện được dựng trên những truyền miệng của dân gian
- Văn bản Huyện Trìa xử án (trong vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) được sáng tác, lưu truyền theo phương thức truyền miệng vì:
+ Văn bản này được trích trong một vở tuồng (tuồng là thể loại thuộc văn học dân gian) nên có tính chất truyền miệng.
+ Văn bản khuyết danh
+ Văn bản xuất hiện nhiều dị bản ở mỗi vở diễn khác nhau.
Câu 6 : Từ lời phán cuối cùng của Huyện Trìa, lời than của Trùm Sò, lời tri ân của Thị Hến, bạn có nhận xét gì về kết quả của phiên tòa?
Gợi ý trả lời: Kết quả của phiên toà không phải là kết quả của công lý, chính nghĩa, cũng không phải được đưa ra từ những chứng cứ khách quan mà là kết quả chủ quan, cảm tính, nói cách khác là kết quả mà Huyện Trìa tự quyết.
Câu 7: Từ việc đọc hiểu văn bản trên, cho biết: khi đọc, phân tích một kịch bản tuồng nói riêng, văn bản kịch nói chung, ta cần lưu ý những điều gì ?
Gợi ý trả lời: Cần lưu ý những điều sau:
- Đọc kỹ, nắm bắt thể loại, những đặc điểm của thể loại kịch, tuồng
- Xác định đề tài, cảm hứng chủ đạo
- Chú ý hình ảnh, cử chỉ, lời nói của nhân vật bộc lộ tính cách đại diện của nhân vật ấy.
- Khái quát được tư tưởng, tình cảm, bài học mà tác giả gửi gắm.