BÀI 5
NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
(CHÈO, TUỒNG)
VĂN BẢN
THỊ MẦU LÊN CHÙA
(Trích Quan Âm Thị Kính)
Trước khi đọc
- Bạn đã bao giờ nghe nói đến thành ngữ “Oan Thị Kính”? Bạn hiểu nghĩa của thành ngữ này như thế nào?
Gợi ý trả lời: Em đã từng nghe đến thành ngữ này. Theo em, “oan Thị Kính” là nỗi oan trời thấu, vô cớ vận vào và không cách nào giải bày, phân minh.
- Quan sát hình ảnh dưới đây trong vở chèo Quan Âm Thị Kính và dự đoán tính cách, thái độ của hai nhân vật.
Gợi ý trả lời:
- Nhân vật Thị Mầu: lối ăn mặc, trưng diện, nụ cười, cử chỉ phần nào nói lên thái độ lẳng lơ, tính cách không đoan chính
- Nhân vật Thị Kính: gương mặt, cử chỉ nhu mì, hiền lành là người hiền thục, chịu đựng, kín đáo
Đọc văn bản
1: Đọc lướt và cho biết nhân vật nào có nhiều lời thoại nhất trong đoạn trích này ?
Gợi ý trả lời: Nhân vật Thị Mầu nhiều lời thoại nhất
2: Từ câu trả lời cho câu hỏi 1, bạn hình dung thế nào về sự khác biệt trong thái độ của hai nhân vật
Gợi ý trả lời: sự khác biệt trong thái độ của hai nhân vật
- Thị Mầu: lắm lời, ba hoa, hoạt ngôn, thái độ lẳng lơ, không đoan chính, táo bạo
- Thị Kính: e dè, kín đáo, ít nói, luôn tìm cách né tránh
3: Tìm những từ ngữ miêu tả Kính Tâm trong lời thoại của Thị Mầu. Việc sử dụng những từ ngữ này cho thấy điều gì về tính cách của Thị Mầu
Gợi ý trả lời: Những từ ngữ miêu tả Kính Tâm trong lời của Thị Mầu
- Đẹp như sao băng
- Cổ cao ba ngấn, lông mày nét ngang
- Có thể thấy Thị Mậu ham mê cái đẹp, háo sắc, lẳng lơ
4: Đoạn hát ghẹo tiểu của Thị Mầu cho thấy nhân vật quan niệm thế nào về tình yêu ? Chú ý những từ ngữ, hình ảnh thể hiện quan niệm tình yêu của Thị Mầu
Gợi ý trả lời: Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện quan niệm tình yêu của Thị Mầu:
- Phải duyên thời lấy chứ nghe họ hàng
- Đôi ta chỉ quyết đợi chờ lấy nhau
- Muốn cho có thiếp có chàng
Ba sáu mười tám, cơm hàng có canh
- Chẳng trăm năm cũng một ngày
Gương kia còn đó, tấm áo này còn hơi
- Thị Mầu có quan niệm rất mới trong tình yêu so xã hội đương thời. Đó là một tình yêu chỉ chú trọng cảm xúc, tự do lựa chọn, không cần bận tâm đến những ràng buộc xã hội, định kiến, lề thói xưa.
Sau khi đọc
Câu 1: Điền vào bảng dưới đây một số câu đối thoại, độc thoại, bàng thoại của nhân vật Thị Mầu, Thị Kính và tiếng đế trong văn bản trên. Từ ngôn ngữ, giọng điệu của lời thoại trên, bạn nhận xét như thế nào về tính cách của hai nhân vật Thị Mầu , Thị Kính?
Nhân vật
|
Đối thoại
|
Độc thoại
|
Bàng thoại
|
Thị Mầu
|
Đây rồi nhé
|
Phải gió ở đâu! Chạy từ bao giờ rồi!
|
Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn
|
Thị Kính
|
A di đà Phật!
Cô cho tôi biết tên để ghi vào lòng sớ
A di đà Phật, tôi đã đèn nhang xong, mời cô vào lễ Phật |
A di đà Phật, khấn nguyện thập phương, cúng trình Tam Bảo, lòng người có đạo… | Ngẫm oan trái nhiều phen muốn khóc. Thấy nhân duyên nghĩ lại nực cười…
|
Tiếng đế ( người xem)
|
Mười tư, rằm!
-Sao lẳng lơ thế, cô Mầu ơi! Ai lại đi khen chú tiểu thế cô Mầu ơi! Mầu ơi mất bò rồi!..
|
- Tính cách của nhân vật Thị Mầu: đi ngược với vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa, táo bạo, phóng khoáng, lẳng lơ
- Tính cách Thị Kính: nhu mì, hiền thục, vẻ đẹp của người phụ nữ chính chuyên.
Câu 2: Lời thoại của Thị Mầu cho thấy tình cảm, cảm xúc của nhân vật đã thay đổi thế nào từ đầu đến cuối đoạn trích ? Điền các từ ngữ chỉ tình cảm, cảm xúc và những lời thoại tương ứng vào sơ đồ sau
Câu 3: Lời thoại của Thị Mầu cho thấy nhân vật quan niệm thế nào về tình yêu và hạnh phúc?
Gợi ý trả lời: Lời thoại của Thị Mầu cho thấy quan niệm về tình yêu của nhân vật này xuất phát từ những rung động, xúc cảm trước cái đẹp, cái mới lạ. Không bị ràng buộc bởi lễ giáo, định kiến, càng không theo tư tưởng cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Và tình yêu này cũng chẳng vì mình là phận nữ nhi mà ngại ngùng, phải chủ động nắm bắt, tỏ bày, quyết tâm có được.
Câu 4: Trong đoạn trích Thị Mầu lên chùa, tiếng đế thể hiện quan điểm như thế nào về nhân vật Thị Mầu ? Bạn có đồng tình với quan điểm đó hay không ? Vì sao ?
Gợi ý trả lời:
Tiếng đế trong đoạn trích: “dơ lắm, Mầu ơi”, “sao lẳng lơ thế cô Mầu ơi”
- Tiếng đế đại diện cho tiếng nói của khán giả, cũng là tiếng nói của quần chúng đặt trong bối cảnh câu chuyện. Tiếng đế thể hiện quan điểm cô Thị Mầu là cô gái lẳng lơ, trắc nết, đi ngược với vẻ đẹp thuỳ mì, nết na, công, dung, ngôn, hạnh. Đặt trong bối cảnh xã hội đường thời thì quan điểm đó không sai. Cái đáng lên áng của Thị Mẫu không phải ở quan niệm tự do về tình yêu và hạnh phúc mà là tình yêu ấy lại đặt không đúng chỗ, đúng người.
Câu 5: Ứng xử của nhân vật Thị Kính thể hiện quan điểm gì của tác giả dân gian ? Quan điểm đó còn nguyên giá trị trong cuộc sống ngày nay không ?
Gợi ý trả lời:
Cách ứng xử của Thị Kính thể hiện quan điểm về đức tính tốt đẹp của người phụ nữ trong dân gian. Đó là người hiền thục, nết na, đẹp người, đẹp nết, nhẫn nhịn, tấm lòng vị tha, nhân hậu. Vẻ đẹp ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị trong cuộc sống ngày nay. Mặc dù những chuẩn mực về cái đẹp ở phụ nữ có những thay đổi đáng kể nhưng sự thuỷ chung, đức hy sinh, tấm lòng nhân hậu vẫn là thước đo giá trị con người.
Câu 6: Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết Thị Mầu lên chùa là một văn bản chèo ?
Gợi ý trả lời: Những dấu hiệu nhận biết Thị Mầu lên chùa là một văn bản chèo:
– Đề tài: văn bản xoay quanh vấn đề giáo dục cách sống, cách ứng xử giữa người với người theo đạo lí dân gian.
– Tích truyện (cốt truyện): được trích từ vở chèo Quan Âm Thị Kính.
– Nhân vật: có đào thương (Thị Kính) và đào lệch (Thị Mầu), tiếng đế
– Lời thoại: có bao gồm cả lời thoại của nhân vật và tiếng đế cùng 3 hình thức: đối thoại, độc thoại, bàng thoại. Đồng thời, lời thoại của các nhân vật trong văn bản bao gồm cả lời nói và lời hát.
Câu 7: Trong hai nhân vật Thị Kính và Thị Mầu, nhân vật nào để lại ấn tượng sâu sắc hơn đối với bạn ? Vì sao ?
Gợi ý trả lời: Nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc trong em là Thị Mầu. Mặc dù khi xây dựng nhân vật đào lẳng này, tác giả nhằm phê phán những cô gái lẳng lơ, đi ngược lại với vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ phong kiến, nhưng ở Thị Mầu ta vẫn thấy thấp thoáng cái tôi muốn bức phá khỏi tường rào định kiến cổ hủ, muốn chạy theo một tình yêu tự do, phá vỡ mọi quy tắc, giáo điều. Nhân vật này tạo nên điểm nhấn, một màu sắc mới cho vở chèo.