NÓI VÀ NGHE
TRÌNH BÀY BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Phần nói
– Nắm trọng tâm vấn đề cần nghiên cứu, chuẩn bị kết quả khảo sát, nghiên cứu.
– Xác định đối tượng người nghe có thêm lời chào, giới thiệu và kết thúc phù hợp.
– Trước khi nói cần chuẩn bị kĩ dàn ý, các ý chính của bài nói.
– Giọng nói rõ ràng, phát âm chính xác
Gợi ý làm bài:
Kính thưa thầy/cô cùng toàn thể các bạn học sinh. Chúng ta đều biết nghệ thuật là một phần của cuộc sống và ai trong chúng ta cũng yêu quý một bộ môn nghệ thuật nào đấy như nhạc trữ tình, nhạc trẻ, rap, phim ảnh, kịch…Nhìn ở góc độ tổng quan, các bạn đều có sự hiểu biết, thích thú đối với những thể loại âm nhạc hiện đại mà có phần thờ ơ thậm chí là không quan tâm đến nghệ thuật dân tộc mà cải lương chính là một bộ phận quan trọng làm nên văn hoá đậm chất Nam Bộ. Để tìm hiểu mức độ quan tâm của học sinh lớp mình đối với bộ môn nghệ thuật này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát và thu được kết quả như sau:
NGHIÊN CỨU MỨC ĐỘ QUAN TÂM CỦA HỌC SINH LỚP 10 (A) TRƯỜNG (B) ĐỐI VỚI BỘ MÔN CẢI LƯƠNG NAM BỘ
TÓM TẮT
Có thể nói cải lương là một loại hình diễn xướng tiêu biểu của nhân dân miền Nam cũng là một bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên trong bối cảnh du nhập như hiện nay, có không ít bạn trẻ chỉ hứng thú với dòng nhạc ngoại, thịnh hành mà không quan tâm đến dòng nhạc cổ truyền của dân tộc. Trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi khảo sát mức độ quan tâm của học sinh lớp 10 trường (B) đối với bộ môn cải lương Nam bộ từ đó đề ra những giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách của giới trẻ ngày nay với nghệ thuật dân tộc.
- Khái quát về nghệ thuật cải lương Nam bộ
Cải lương là một loại hình kịch hát có xuất xứ từ miền Nam Việt Nam. Tiền thân của nghệ thuật cải lương là đờn ca tài tử và dân ca miền sông nước Nam bộ. Theo cách cắt nghĩa của hai tiếng cải lương, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn”. Hiểu theo nghĩa này thì cải lương là việc cải cách nghệ thuật hát bội xưa trở thành một diện mạo phong phú, hài hoà về hình thức lẫn nội dung. Minh chứng cho cho tên gọi cải lương, bảng hiệu gánh hát cải lương của ông Trương Văn Thông năm 1920 bao giờ cũng có câu đối: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.
Vậy nên có thể hiểu rằng cải lương là cải cách, lương truyền, làm mới thể loại âm nhạc dân tộc cho phù hợp với thị hiếu, thời đại, đồng thời gửi gắm vào những câu chuyện, những thông điệp tốt đẹp về tình nghĩa con người, tình yêu nước, tình yêu đôi lứa…
Những vở cải lương đầu tiên hầu như dựa trên các tích xưa, mang hơi hướng hát bộ. Càng về sau, cải lương càng định hình theo cấu trúc một tác phẩm kịch có các phân đoạn, có màn có lớp, tiến triển theo hành động kịch. Ngoài những đề tài dựa trên điển tích vai mượn thì càng về sau cải lương Nam Bộ khai thác thành công đề tài về xã hội, cuộc sống con người Việt Nam qua các giai đoạn. Những bài hát trong các vở cải lương được soạn giả soạn lời theo những bản nhạc có sẵn, phù hợp với hoàn cảnh, cảm xúc nhân vật được gọi là ca kịch. Trong vở cải lương, ngoài vọng cổ thì thường xuyên xuất hiện các làn điệu: Nam ai, Nam xuân, Phụng hoàng, Ngựa ô bắc, Lý giao duyên, Lý con sáo..
Dàn nhạc cải lương gồm dàn nhạc cổ: đàn tranh, đàn kìm, đàn tì bà, đàn sến…và dàn nhạc tân: ghi ta solo, ghi ta bass. Các diễn viên trong cải lương diễn xuất như kịch như hát thay vì nói. Diễn viên tuỳ thuộc vào cảm xúc, vai diễn, chủ đề mà thể hiện cử chỉ, động tác kèm theo, tập trung diễn tả nội tâm. Trang phục biểu diễn cũng dựa trên vai diễn, cốt truyện và hoàn cảnh.
- Khảo sát mức độ quan tâm của học sinh lớp 10 (A) trường (B) với cải lương Nam Bộ
Phương pháp chủ yếu của khảo sát là điều tra, phỏng vấn học sinh lớp 10 (A) trường (B) bằng phiếu câu hỏi. Tổng phiếu khảo sát là 50 phiếu.
Để phân loại được nhóm học sinh đã từng nghe cải lương hoặc chưa bao giờ quan tâm đến hình thức nghệ thuật này, chúng tôi đặt ra câu hỏi khảo sát đầu tiên: “Bạn đã từng nghe cải lương hoặc biết đến cải lương bao giờ chưa?” Chúng tôi thu được kết quả như sau:
Ý kiến trả lời | Số lượt trả lời | Tỉ lệ phần trăm |
Chưa nghe đến | 18 | 36% |
Đã từng nghe | 32 | 64% |
Bảng mức độ quan tâm của học sinh lớp (A) trường (B) đối với nghệ thuật cải lương Nam Bộ
Biểu đồ: Mức độ quan tâm của học sinh lớp (A) trường (B) đối với nghệ thuật cải lương Nam Bộ
Theo thống kê có 18 bạn học sinh trả lời “chưa nghe đến” chiếm 36%. Số học sinh trả lời “đã từng nghe” là 32 chiếm tỷ lệ 64%. Như vậy nhìn ở mức độ tổng quan, học sinh lớp 10 (A) đa phần biết đến nghệ thuật cải lương Nam Bộ.
Để đánh giá đúng mức độ tiếp cận của học sinh lớp 10 (B) “đã từng nghe”cải lương, chúng tôi tiến hành làm một bài phỏng vấn nhỏ với các câu hỏi: “Bạn có thường xuyên nghe cải lương hay không?”. “Mức độ yêu thích đối với cải lương là bao nhiêu?”“Hãy kể tên những nghệ sĩ cải lương mà bạn biết”, “tên các vở cải lương mà bạn từng xem”.
Với câu hỏi “Bạn có thường xuyên nghe cải lương hay không?” chúng tôi thống kê câu trả lời của 32 học sinh thành bảng như sau:
Câu trả lời | Số học sinh trả lời | Tỷ lệ phần trăm % |
Thường xuyên | 2 | 6,25 |
Thỉnh thoảng | 13 | 40,625 |
Rất ít | 17 | 53,125 |
Với câu hỏi “Mức độ yêu thích đối với cải lương là bao nhiêu?” chúng tôi thống kê câu trả lời thành bảng sau:
Câu trả lời | Số học sinh trả lời | Tỷ lệ phần trăm % |
Rất thích | 2 | 6,25 |
Bình thường | 10 | 31,25 |
Không thích | 20 | 62,5 |
Hai câu hỏi còn lại chúng tôi nhận được nhiều đáp án khác nhau. Ở câu hỏi “tên những nghệ sĩ cải lương mà bạn biết” có 12 bạn học sinh trong tổng số 32 học sinh ghi đúng tên những nghệ sĩ nổi danh trong cải lương, số còn lại chưa hoàn thành câu trả lời hoặc ghi sai tên, có sự nhầm lẫn với tên những nghệ sĩ thuộc lĩnh vực khác. Câu hỏi “tên các vở cải lương mà bạn từng xem” gây không ít khó khăn cho các bạn khảo sát. Chỉ có 5 bạn học sinh trả lời đúng tên một vài vở cải lương, còn lại không có đáp án.
- Kết luận
Dựa trên kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy rất ít học sinh thật sự yêu thích, có hiểu biết về bộ môn nghệ thuật cải lương ngay chính trên quê hương mình. Đa phần các bạn nghe cải lương thụ động vì gia đình có ông, bà yêu thích cải lương. Con số 36% chưa nghe đến và 53, 125% rất ít khi nghe đã phần nào nói lên được thực trạng cải lương dần mai một trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của học sinh nói riêng và giới trẻ nói chung. Điều này không khó giải thích vì lứa tuổi các em thích sôi động, thích cái mới lạ, hấp dẫn của dòng nhạc ngoại, nhạc trẻ, hip hop, rap…Trong khi cải lương chú trọng chiều sâu tâm lý, cảm xúc, nhịp điệu, tiết tấu trầm lắng. Thật đáng tiếc vì sự mai một của cải lương trong một bộ phận lớn giới trẻ ngày nay. Bỏ quên bộ môn nghệ thuật này là chúng ta đã từng bước quay lưng lại với người xưa, đánh mất bản ngã của dân tộc, hoà tan với cái mới.
Làm sống dậy tâm hồn dân tộc qua cải lương là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết ngay lúc này, nhất là khơi gợi tình yêu đối với nghệ thuật nước nhà cho giới trẻ. Theo chúng tôi, muốn làm được điều này là cả quá trình dài, ở đó có sự phối hợp của nhiều phương tiện truyền thông và trong cả môi trường học đường: bổ sung những bài học ngoại khoá về nghệ thuật cải lương, tổ chức chương trình văn nghệ trong đó khuyến khích học sinh hát cải lương, diễn lại các tuồng tích theo khả năng của các bạn để cải lương không còn xa lạ với học sinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Văn Khê (2007) ,“Cải lương, nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam bộ Việt Nam”
- Trang báo điện tử: Wikipedia
Trên đây là bài báo cáo về kết quả khảo sát mức độ tiếp cận của học sinh lớp chúng ta với bộ môn cải lương miền Nam. Hy vọng rằng cách tiếp cận này phần nào nói lên được thực trang đang diễn ra đồng thời xây dựng phương hướng để cải lương trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ hôm nay.