BÀI 4: NHỮNG DI SẢN VĂN HOÁ
(VĂN BẢN THÔNG TIN)
VĂN BẢN 1: TRANH ĐÔNG HỒ – NÉT TINH HOA CỦA VĂN HOÁ DÂN GIAN VIỆT NAM
Trước khi đọc
- Theo bạn, thế nào là một di sản văn hoá? Hãy nói về giá trị một di sản văn hoá của địa phương hoặc đất nước mình mà bạn quan tâm.
Gợi ý trả lời: Di sản văn hoá tài sản bằng hiện vật (vật thể) hoặc tinh thần (phi vật thể) kế thừa từ thế hệ người đi trước và tiếp tục phát huy cho mai sau. Các di sản văn hoá bao gồm: tài sản văn hoá (cảnh quan, di tích, sách, hiện vật…), văn hoá phi vật thể (loại hình văn hoá dân gian, ngôn ngữ..), di sản tự nhiên (cảnh quan có tính văn hoá)
Đến Năm bộ, không thể nào quên một loại hình nghệ thuật dân gian đó là đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật năm 2013. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hoá vừa mang đậm chất dân gian vừa mang vẻ đẹp trang trọng của âm nhạc thính phòng. Loại hình nghệ thuật này đã hơn 100 năm ra đời với hình thức trình diễn ban đầu trong phạm vi không gian hẹp như gia đình, lễ hội…Ban nhạc là đàn tứ tuyệt: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu. Người hát có thể là nam thanh nữ tú hoặc những người lớn tuổi, thường trình diễn với trang phục truyền thống áo dài khăn đóng. Tuy nhiên đờn ca tài tử đến với những ca sĩ nghiệp dư góp vui trong giỗ chạp, cưới hỏi sẽ không câu nệ trang phục mà tạo thành sân chơi ấm cúng, trao đổi, chia sẻ cùng nhau thưởng thức. Với giai điệu khoan nhặt, bổng trầm, âm thanh da diết, lời hát gần gũi, mộc mạc sâu đậm nghĩa tình, nghệ thuật đờn ca tài tử được xem như một “báu vật” của vùng đất phương Nam.
- Đã bao giờ bạn xem tranh Đông Hồ và tìm hiểu cách thức, quá trình chế tác nên những bức tranh ấy? Kể tên một số bức tranh và chia sẻ những điều bạn biết với nhóm bạn.
Gợi ý trả lời: Cách thức, quá trình chế tạo những bức tranh:
- Ra mẫu: Đầu tiên các nghệ nhân vẽ phác lên giấy dày, sửa chữa đến khi ưng ý thì can lên một tờ giấy dó loại rất mỏng.
- Cắt ván: Nghệ nhân sáng tác đưa ra mẫu vẽ trên giấy trước để chuyển sang cho bên cắt ván. Tức là khắc lên bản khắc gỗ.
- Chọn giấy: Giấy dó là giấy được sản xuất bằng phương pháp thủ công từ cây dó. Giấy điệp làm tranh Đông Hồ làm từ vỏ sò điệp được nghiền nát trộn với bột hồ được nấu từ gạo tẻ, bột sắn. Người ta dùng chổi lá thông quét lên trên giấy dó, sau đó đem phơi khô.
- Chọn màu: Màu vàng: Được nghệ nhân làm tranh Đông Hồ làm từ hoa Hòe như trên hình. Màu đen: Được lấy pha chế từ than đu, cây xoan hoặc than lá trẻ. Màu đỏ: Từ sỏi son hoặc là gỗ vang. Màu trắng: Từ vỏ sò điệp.
- In tranh: chuẩn bị dụng cụ gồm chổi làm bằng lá thông (thét) để quét điệp là, nền. Bìa: hộp gỗ không nắp, ngồi rơm bên trong, phía trên căng vải. Còn có xào tre, nứa phơi tranh.. In tranh theo thứ tự
+ Ngày thứ nhất: In bản khắc gỗ màu đỏ.
+ Ngày thứ hai: In bản khắc gỗ màu xanh.
+ Ngày thứ 3: In bản khắc khổ màu vàng.
+ Ngày thứ 4: In bản khắc gỗ màu ghi xám.
+ Ngày thứ 5: Lần in cuối cùng mới in màu đen.
Tên một số bức tranh Đông Hồ nổi tiếng: Hứng dừa, Đám cưới chuột, Tranh lợn Đông Hồ, Làng quê, Tranh tứ quý…
Đọc văn bản
Câu 1: Đoạn văn in nghiêng này có vai trò thế nào đối với việc truyền tải thông tin chính của văn bản?
Gợi ý trả lời: Đoạn văn in nghiêng giúp người đọc có cái nhìn khái quát về vẻ đẹp, giá trị của tranh Đông Hồ, từ đó có hướng nhìn, cách tiếp cận dễ dàng hơn.
Câu 2: Trong số những màu sắc được nhắc tới đoạn này, tranh “‘Lợn đàn” đã sử dụng những màu sắc nào?
Gợi ý trả lời: Tranh “Lợn đàn” đã sử dụng màu:
- Màu xanh từ gỉ đồng, lá chàm
- Màu đỏ từ sỏi son, gỗ vang
- Màu vàng từ hoa hòe
Câu 3: Tóm tắt các công đoạn chính để tạo nên một bức tranh Đông Hồ
Gợi ý trả lời: Các công đoạn chính để làm nên một bức tranh Đông Hồ:
- Vẽ mẫu: chọn đề tài, nghệ nhân vẽ mẫu trên giấy mỏng rồi xếp vào bản khắc gỗ.
- In mẫu: Khi in, đặt xấp giấy in trước mặt; tay phải cầm “tay co” đóng sau lưng ván in, úp ván xuống “bìa” để quét đẫm màu; úp mặt ván khắc đã thấm màu lên mặt giấy; lật ngửa ván khắc lên.
- Thợ in lấy xơ mướp xoa đều lưng mặt giấy để màu mực thấm đều; bóc từ giấy khỏi ván in; số màu của tranh tương ứng với số lần in.
Câu 4: Đoạn cuối này có hé mở thêm điều gì đó trong quan điểm và cách đưa tin của người viết
Gợi ý trả lời: Đoạn cuối văn bản chúng ta thấy được góc nhìn của tác giả đối với dòng tranh Đông Hồ. Đó là thái độ trân trọng, yêu quý những tác phẩm nghệ thuật dân gian, biết ơn những nghệ nhân đã vượt qua khó khăn gìn giữ nét đẹp cổ truyền. Đồng thời người viết còn có niềm tin loại hình nghệ thuật này sẽ sớm được khôi phục giá trị của nó.
Sau khi đọc
Câu 1: Hãy chỉ ra các công đoạn chính của quá trình chế tác một bức tranh Đông Hồ được nêu trong văn bản
Gợi ý trả lời: Các công đoạn chính:
- Vẽ mẫu: chọn đề tài, nghệ nhân vẽ mẫu trên giấy mỏng rồi xếp vào bản khắc gỗ.
- In mẫu: Khi in, đặt xấp giấy in trước mặt; tay phải cầm “tay co” đóng sau lưng ván in, úp ván xuống “bìa” để quét đẫm màu; úp mặt ván khắc đã thấm màu lên mặt giấy; lật ngửa ván khắc lên.
- Thợ in lấy xơ mướp xoa đều lưng mặt giấy để màu mực thấm đều; bóc từ giấy khỏi ván in; số màu của tranh tương ứng với số lần in.
Câu 2: Xác định đề tài của văn bản trên. Chỉ ra một số đoạn, mục có lồng ghép yếu tố miêu tả hoặc biểu cảm trong văn bản và nêu mục đích của việc lồng ghép ấy
Gợi ý trả lời:
- Đề tài: Tranh Đông Hồ – nét tinh hoá văn hoá Việt Nam
- Đoạn, mục có lồng ghép miêu tả, biểu cảm:
+ “giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp:….gồm bốn bản khắc gỗ để in tranh Đông Hồ” => Miêu tả cách làn giấy điệp và các màu sắc in tranh để người đọc hình dung dễ dàng những chất liệu làm ra tranh Đông Hồ gần gũi, tự nhiên.
+ “khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp… Chợ tranh đông vui, sầm uất được tổ chức ngay trong đình làng” => Miêu tả không khí rộn ràng, tấp nập, đông vui của chợ tranh ngày Tết.
- Việc lồng ghép các yếu tố miêu tả hoặc biểu cảm trong bài viết là tăng tính tạo hình, đưa cảm xúc của người viết trong việc đánh giá giá trị truyền thống của dòng tranh Đông Hồ.
Câu 3: Theo bạn, nội dung của các mục 1,2,3 của văn bản trên đã bổ sung thông tin cho nhau và góp phần thể hiện thông tin chính của văn bản như thế nào ?
Gợi ý trả lời: Nội dung của các mục 1,2,3 lần lượt làm sáng tỏ các thông tin: đề tài, chất liệu, màu sắc, quá trình chế tác của tranh Đông Hồ. Đây là những thông tin cần thiết, đầy đủ để phục vụ đề tài chung của bài viết về tranh Đông Hồ. Mỗi mục là một phương diện liên quan mật thiết với nhau, không thể thiếu bất cứ phương diện nào.
Câu 4: Nhan đề, sa-pô, đề mục có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện thông tin chính trong văn bản?
Gợi ý trả lời:
- Sa – pô: được hiểu là phần nội dung mở đầu được đặt trên cùng của bài viết (trong tác phẩm là phần chữ in nghiêng) Phần này có tác dụng khái quát một số nội dung chính, dẫn dắt, gợi mở người đọc, tạo hứng thú ban đầu.
- Nhan đề, đề mục: tạo ra một bố cục hợp lý, thống nhất của bài viết. Nội dung bài viết làm sáng tỏ từng nhan đề, đề mục, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt thông tin theo trình tự.
Câu 5: Xác định mục đích viết và quan điểm của người viết được thể hiện trong văn bản trên. Bạn có đồng tình với quan điểm đó hay không ? Vì sao ?
Gợi ý trả lời:
- Mục đích viết: Chia sẻ vẻ đẹp của tranh Đông Hồ cùng những thông tin liên quan đến quá trình sáng tạo một bức tranh. Đồng thời khẳng định tranh Đông Hồ là một loại hình nghệ thuật độc đáo của đất nước, từ đó gửi gắm mong mỏi bảo vệ, phát huy nét văn hoá này.
- Quan điểm của người viết: Người viết tôn trọng những thông tin khách quan về tranh Đông Hồ. Yêu quý, ngưỡng mộ những nghệ nhân đã kỳ công tạo tác và giữ gìn dựa trên tinh thần bảo tồn, phát huy những vẻ đẹp truyền thống dân gian.
Em đồng ý với quan điểm đó. Bởi vì những nét văn hoá dân gian đã được ông cha ta kỳ công gầy dựng. Đó không chỉ là sản phẩm vật chất hoặc tinh thần mà còn mang đậm bản sắc dân tộc, dấu ấn lịch sử, là hồn cốt của người xưa. Trong thời điểm hội nhập hôm nay, rất cần giữ gìn, phát huy truyền thống, khôi phục nét đẹp trong văn hoá dân gian. Đó chính là yếu tố cốt lõi để thế hệ trẻ hoà nhập nhưng không hoà tan.
Câu 6: Kể tên một số di sản văn hóa ở địa phương và phát biểu suy nghĩ của bạn về việc bảo tồn và phát huy các di sản ấy ?
Gợi ý trả lời: Một số di sản văn hoá ở Nam bộ:
- Nghệ thuật đờn ca tài tử
- Nghệ thuật chầm riêng Chà pây
- Nghề dệt chiếu Định Yên
- Nghệ thuật sân khấu dù kê
- Lễ hội Ok – Oom – Bok
Mỗi nghệ thuật văn hoá dân gian đều là kỳ công tạo dựng của người xưa. Qua đó muốn gửi gắm cho thế hệ sau này vẻ đẹp văn hoá bản địa, cuộc sống lao động, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt…Bảo tồn phát huy di sản của người đi trước để lại chính là giữ gìn được nét đẹp trong thái độ sống uống nước nhớ nguồn. Để làm được điều này, mỗi chúng ta phải bồi dưỡng cho mình tình yêu, sự cảm phục thông qua những hiểu biết về nét đẹp của di sản văn hoá địa phương, đất nước mình. Từ đó có những việc làm thiết thực để giữ gìn, bảo tồn, phát triển hơn nữa các làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian, nghệ thuật đờn ca, hát xướng của quê hương mình.