THUYẾT TRÌNH VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI CÓ KẾT HỢP SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN GIAO TIẾP PHI NGÔN NGỮ
Yêu cầu: Thuyết trình về một trong những vấn đề sau (có sử dụng kết hợp phương tiện giao tiếp ngôn ngữ với các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ):
– Tầm quan trọng của động cơ học tập;
– Ứng xử trên không gian mạng;
– Quan niệm về lòng vị tha;
– Thị hiếu của thanh niên ngày nay,…
Gợi ý làm bài:
– Tìm hiểu đề, xây dựng dàn ý, bố cục rõ ràng mạch lạc
– Xác định bài thuyết trình hướng đến ai, sử dụng câu chào, mở đầu, dẫn dắt và kết thúc để tạo sự nối kết với người nghe.
– Trình bày to, rõ, kết hợp với ngôn ngữ cử chỉ, ánh mắt, tình cảm truyền qua giọng nói
Bài làm: Thuyết trình về ứng xử trên không gian mạng
Kính thưa quý thầy cô và các bạn thân mến! Người xưa có câu “tiên học lễ, hậu học văn” để nhắc nhở mỗi chúng ta một điều bên cạnh học tập tri thức, tiếp nhận thông tin, rèn luyện trí tuệ thì đừng bao giờ quên rèn luyện nhân cách và ứng xử trong cuộc sống. Bởi vì ứng xử và thông qua ứng xử mỗi chúng ta đang bộc lộ đặc điểm tính cách cá nhân, cái nhìn, lối sống…Thông qua ứng xử, giá trị sống của con người cũng được thể hiện phần nào đó. Ứng xử ngày nay không dừng lại ở môi trường gia đình, hàng xóm, cơ quan, trường học…mà còn đặc biệt đáng lưu tâm ở môi trường mạng. Thế nên vấn đề ứng xử trên không gian mạng vẫn là vấn đề đặt ra cấp thiết.
Trước hết để có cái nhìn khái quát về vấn đề này, chúng ta cần quan tâm làm rõ thế nào là ứng xử và không gian mạng có những gì. Ứng xử được cắt nghĩa là cách đối phó, đối ứng (ứng) và cách xử lý, xử sự, xử thế (xử). Vậy ứng xử có thể hiểu là phản ứng của con người khi tiếp nhận cách đối xử, ý kiến, lời nói, suy nghĩ, hành động…của người khác trong một tình huống nào đấy. Cách ứng xử của mỗi người thông qua lời nói, hành động, cử chỉ trong quan hệ giao tiếp với người thân trong gia đình, với bạn bè, hàng xóm, với tập thể, với xã hội. Khi chúng ta đặt mình ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau sẽ tạo nên những tình huống ứng xử, môi trường ứng xử không giống nhau. Người trải qua nhiều tình huống ứng xử sẽ tạo dần kinh nghiệm ứng xử, kết hợp với khả năng giao tiếp cũng như tính cách, lối sống sẽ tạo nên kết quả ứng xử tốt và không tốt. Thực tế cho thấy bất kể môi trường sống nào cũng sẽ tạo ra những tình huống bắt buộc mỗi chúng ta thể hiện cách ứng xử riêng, không gian mạng lại là một môi trường có tính phức tạp, đa chiều đòi hỏi người tham gia phải đối mặt với những lợi thế và cả hạn chế. Không gian mạng là một môi trường nhân tạo, kết quả của mạng lưới kết nối cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin. Thông qua những ứng dụng toàn cầu, người dùng thực hiện những hành vi xã hội như chia sẻ thông tin, trò truyện…không giới hạn thời gian, không gian. Mạng xã hội chính là không gian mạng phổ biến nhất hiện nay. Tính đến năm 2020, ở Việt Nam có đến 60% dân số sử dụng mạng xã hội bao gồm: Facebook, Youtube, Zalo, FB Mesenger, Instagram, Tiktok, Mocha, Google+, Twiter, Skype, Viber…
Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích mà không gian mạng đem đến cho con người nằm trong những chức năng thông tin, giải trí, kết nối, kinh doanh…Tuy vậy, bất cứ một môi trường nào cũng tồn tại những mặt hạn chế, trong khi đó môi trường ảo của mạng xã hội lại là nơi nằm trên ranh giới của ảo và thực, của quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện và quy định sử dụng mạng xã hội đúng với đạo đức, pháp luật. Con đẻ của môi trường này không chỉ là những điều tốt lành, vui tươi, hữu ích mà còn sinh ra nhiều chuyện khoái trái, cách cư xử kém văn minh, trái đạo đức, đi ngược pháp luật..Thế nên khi nói đến ứng xử trên không gian mạng chúng ta không quên nhìn nhận những thực trạng trái khoái dở cười, dở khóc phát sinh từ cách ứng xử kém của người dùng. Có rất nhiều người lầm tưởng mình đã cầm cán cân công lý nên không ngại “bốc phốt”, “dìm hàng”, nói xấu, bêu rếu ai đó ngay trên trang cá nhân. Những thông tin này xuất phát từ cái nhìn chủ quan, còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa làm rõ đã được cư dân mạng chia sẻ tạo nên sức lan toả nhanh chóng. Cái xâu thường truyền xa, thế nên không hiếm gì những chuyện dạo một vòng mạng xã hội đã thấy đâu đâu cũng ô nhiễm bởi cái xấu trong mắt ai đó. Chúng ta cũng không còn lạ gì ứng dụng livestream được sử dụng để tạo ra sự tương tác trong giới nghệ sĩ, trong kinh doanh…Vậy mà hiện nay nhiều bạn trẻ dùng tính năng này để tạo những hiệu ứng cá nhân nổi trội với những câu phát ngôn, những trò giải trí trở thành trào lưu, hiện tượng mạng thu hút nhiều người theo dõi đặc biệt là giới trẻ. Thói gian hồ mạng sinh ra từ đây, cái độc lạ không đi cùng với cái hay, cái phải sẽ trở thành hạt sạn lớn trong không gian mạng. Gần đây, xuất hiện thêm những trào lưu nghẹt thở “Like là làm, nói là làm”…các bạn trẻ vin vào đấy để nói những điều chẳng ý nghĩa gì, làm những chuyện không đâu như: tẩm xăng đốt trường, nhảy xuống sông…Cái đáng nói là cộng đồng mạng lại có cách ứng xử kém văn minh nếu không nói là cổ vũ cho cái xấu. Biết rằng like sẽ ủng hộ hành động xấu mà vẫn like, vẫn vô tư bình luận cổ vũ, thậm chí bắt ép, đe doạ nếu người nói không thực hiện lời hứa. Chưa kể đến tổ chức, cá nhân lợi dụng không gian mạng để lừa đảo bằng các chiêu trò tung ảnh đòi nợ, khủng bố tinh thần qua mạng…
Nguyên nhân dẫn đến những ứng xử vô văn hoá, kém văn minh trên không gian mạng như hiện nay xuất phát từ nhiều phía, trong đó một phần nói lên được môi trường sống mới này quá rộng, đa dạng và phức tạp nên không phải lúc nào cơ quan truyền thông, quản lý thông tin mạng có thể kiểm soát chặt chẽ kịp thời. Tuy vậy nguyên nhân lớn nhất vẫn ở phía chủ quan người dùng. Khi được quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, nhiều người lạm dụng quyền này để thể hiện cái tôi cá nhân, cái tôi mà ở môi trường thực phải chịu những e dè, áp lực, không dễ gì bộc phát. Môi trường mạng tạo ra một không gian tự do mà ở đó người dùng làm chủ cuộc đời ảo của mình bằng việc hướng công chúng vào những điều mình bộc lộ trên mạng xã hội. Nhiều người mượn mạng xã hội, tiếng nói đám đông để điều khiển dư luận theo mục đích cá nhân. Đám đông dư luận thay vì tìm hiểu kỹ vấn đề, lại dựa trên một hiện tượng, một hành động, một lời níu..để đánh giám bình phẩm những lời khó nghe, thậm chí là chửi mắng, nhục mạ, xâm phạm đến đời tư, danh dự của ai đó. Nguyên nhân tiếp theo khiến cho nhiều người mượn mạng xã hội để chê trách, than vãn, bức xúc là do ở đời thực họ chưa tìm được tiếng nói chung, chưa được lắng nghe, thấu hiểu nên tìm đến mạng xã hội để tranh thủ sự ủng hộ. Một số đối tượng thay vì tin vào sự công bằng của pháp luật thì đem những chuyện khúc mắc, cho là oan ức hoặc cái xấu lên mạng để nhờ loa xã hội truyền tin nhanh chóng. Những người dùng ứng xử kém cho rằng mạng xã hội là bóng đêm nên nếu làm việc xấu, phát ngôn xấu, hành động xấu họ sẽ không bị ảnh hưởng gì, không ai có bằng cớ để vu tội, thế nên họ mặc tình bộc lộ cái xấu làm những anh hùng bàn phím, giỏi võ mồm tạo nên năng lượng tiêu cực.
Nạn nhân của những ứng xử kém văn hoá trên không gian mạng nhiều vô kể, mức độ cũng đa dạng từ tổn thương tinh thần đến mất đi danh dự, mất hết tiền của…Những thông tin bêu rếu, kể xấu, bốc phốt không đúng sự thật hoặc chỉ nhìn phiến diện nhưng lại tạo nên sức ép công kích vô cùng lớn đối với người bị công chúng hướng đến. Có nhiều người vô tình gây lỗi lầm mà trở thành kẻ xấu xa trên mạng xã hội, bị dư luận chê bài, dè bỉu, tẩy chay khiến cho cuộc sống họ đảo lộn. Trường hợp nhiều bạn trẻ vì bị bàn bè nói xấu, tẩy chay trên mạng xã hội mà khiến các em bế tắt, cô đơn, nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động dại dột. Không ít người vô duyên vô cớ trở thành nạn nhân của những clip, livestream cũng chỉ vì vài hình ảnh kém duyên vô tình tạo nên làn sóng khen chê dữ dội từ cộng động rồi bỗng dựng tai tiếng nất thình lình. Không ít người vì ứng xử kém của cộng đồng mạng mà không còn đường lui, mặc cảm, trầm cảm. Đáng tiếc cho những nạn nhân vì lộ thông tin cá nhân, vì lo sợ trước sức ép mà bọn xấu gây ra đã mất của, mất tiền vô lý. Các con virus drama xoáy sâu vào đời sống riêng tư của những người nổi tiếng hoặc có vị thế xã hội để tạo ra những scandal khiến người nổi tiếng ấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp, danh dự…Một số đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, chống đối đường lối Đảng và nhà nước ta, gây hoang mang trong dư luận, tạo sự mất đoàn kết, mất niềm tin trong quần chúng.
Để dọn được rác trên không gian mạng cần lắm sự thay đổi trong thái độ ứng xử của người dùng. Mỗi người dùng mạng xã hội phải nâng cao sự hiểu biết để bắt kịp với những “đồng”, “thau” lẫn lộn thực hư khó lường của môi trường ảo. Với những thông tin nhiều chiều, nếu không chứng thực, không rõ ràng thì đừng nên phát biểu mang tính chủ quan. Phải biết gạn đục khơi trong, chia sẻ, ủng hộ những điều tốt lành, truyền năng lượng tích cực để mọi người, chắt lọc những điều bản thân cảm thấy không phù hợp, không đúng đắn. Hãy nhớ rằng chúng ta có quyền tự do ngôn luận nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm với lời nói, việc làm của mình trên mạng xã hội kể cả một nút like và share. Đừng để bản thân rơi vào một cuộc tranh luận, đấu đá giữa những chuyện chẳng đâu đâu trên mạng xã hội sẽ chỉ tốn thời gian, phí sức lực, ảnh hưởng tâm lý. Chúng ta đang hít không khí từ đời thực, ăn bữa cơm bằng lao động thực chứ không phải dành tất cả vào không gian mạng vì thế mà hãy điều chỉnh cảm xúc trước những bình phẩm, dè bỉu, chê bai từ những người không quen biết tự cho phép điều khiển cuộc đời mình trên mạng. Và hãy nhớ rằng chúng ta còn có pháp luật bảo vệ nên bất cứ những trường hợp bị xúc phạm, tra tấn trên mạng hãy nhờ pháp luật can thiệp.
T.S Lê Hoàng Việt Lâm khẳng định “Một khi bạn ứng xử văn minh trên mạng xã hội, bạn sẽ khẳng định mình là người có trình độ, đạo đức, nhân cách, văn hóa”. Nếu bạn xem không gian mạng cũng là môi trường sống thì cũng nên điều chỉnh lối ứng xử của bản thân trong môi trường ấy đúng đắn, chuẩn mực, có trách nhiệm như chính bạn đang sống.