Hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê nin: Học, học nữa, học mãi
So với thế giới mênh mông tưởng chừng vô hạn thì cuộc đời mỗi con người lại hữu hạn. So với biển kiến thức bao la bên ngoài ô cửa sổ thì sự hiểu biết của mỗi chúng ta chỉ là một thân cây non dại giữa đại ngàn. Để cây đời xanh tươi, lớn mạnh thì không còn cách nào khác ngoài bám chặt chiếc rễ vào vùng đất của tri thức. Chỉ có con đường học mới giúp ta chiếm lĩnh tri thức đời sống và phải là học suốt đời, học không ngừng nghỉ mới tiếp thêm nguồn năng lượng sống dồi dào. Câu nói “Học, học nữa, học mãi” của nhà bác học Lê nin đã mở ra một chân lý đúng đắn, một phương châm học tập cốt lõi lấy trọng tâm học tập suốt đời làm ánh đuốc soi đường dẫn lối những ai muốn thành công.
Câu nói của một nhà chính trị, một nhà cách mạng, nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp cần lao hẳn là thâm thuý và ý nghĩa. “Học, học nữa, học mãi” chỉ ngắn gọn, súc tích với điệp từ “học” lặp lại 3 lần như sự nhấn mạnh vai trò to lớn của việc học, như khắc sâu vào trí nhớ con người nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta.
Giống như mây trời cần gió để bay xa, mỗi đứa trẻ lớn lên đều bắt đầu tập dần cuộc sống bên ngoài bằng việc đến trường, làm quen với từng con chữ. Bao thế hệ vẫn thế, học là quy luật tất yếu của xã hội, là lẽ hiển nhiên gắn với sự trưởng thành của mỗi chúng ta. Học được hiểu là quá trình ghi nhận những kiến thức, hiểu biết từ bên ngoài xã hội vào trong bộ não thông qua ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, màu sắc, đường nét có thể nhìn thấy chạm vào hoặc cả những thứ chỉ có thể hình dung bằng trí tưởng tượng và sự rung động tâm hồn. Từ ghi nhận đến lĩnh ngộ có nghĩa là chúng ta hiểu, đón nhận kiến thức và biến nó thành tư duy của mình. Học là cả một quá trình tích lũy kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, từng bước một. Học trong chương trình giảng dạy ở trường, học bằng việc tìm tòi khám phá bên ngoài, học trong sự trải nghiệm của bản thân, học thông qua thực hành, qua những chuyến tham quan…
Chẳng ai dám khẳng định bản thân mình là có kiến thức sâu rộng nhất, uyên bác nhất kể cả những bậc vĩ nhân, những nhà bác học. Các cấp học thông thường trong nhà trường có lên đến đại học, cao học hay tiến sĩ, giáo sư cũng chỉ là giới hạn tương đối để xếp loại bậc học chứ không phải là đỉnh cao nhất của quá trình học. Bởi vì biển học mênh mông khó mà tìm được bến bờ. Vậy nên việc học cũng không dừng lại ở mức độ nào, cấp bậc nào, lứa tuổi nào mà phát triển không ngừng theo sự phát triển của thời đại. Học nữa là do thế mà ra. Học nữa là lời khuyên mỗi chúng ta tiếp tục đeo đuổi việc học. Học bổ sung kiến thức, học nâng cao, tăng cường, học chuyên sâu theo từng chuyên môn, học và rèn luyện những gì được học để kiến thức trở thành công cụ lao động sản xuất ra của cải vật chất hoặc tinh thần.
Không những “học nữa” mà để tồn tại con người cần “học mãi”. “Học mãi” ở đây được hiểu là học suốt đời, khi nào con người còn muốn mình phát triển thì vẫn phải học. Đương nhiên nghĩa của từ “học” trong lời khuyên này không phải bó buộc trong việc học trên trường lớp, học theo bài bản có người hướng dẫn mà mở rộng ra là học những gì cần thiết cho cuộc đời, đem lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống con người. “Học mãi” là việc học không dừng lại ở tuổi trẻ mà còn ở bất cứ lứa tuổi nào.
“Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo” (Nguyễn Thiếp) Từ khi con người biết xây dựng xã hội cũng là lúc con người ý thức được vai trò sống còn của việc học. Thế nên ông cha ta xưa kia cũng đã vạch ra tầm quan trọng của việc học. Trước hết, thế giới mà chúng ta đang sống là một tổ chức cấp cao, mỗi thời đại gắn với muôn vàn bí ẩn mà con người là biến số không tĩnh tại. Kiến thức ngày càng rộng mở, chúng ta không thể nào tự ngộ ra tất cả mọi thứ, không thể tự nghĩ ra một phương pháp, cách làm hoặc phát minh ra điều gì đó. Có được một bài học, một chân lý hay một phương pháp là cả quá trình lao động, trải nghiệm bằng nhiều cuộc đời hoặc nhiều thế hệ mới nên. Vì vậy mà không ai có thể tự mình biết mọi thứ nếu không học. Học đem đến cho con người sự hiểu biết, hiểu về cuộc sống hằng ngày, hiểu thế giới muôn loài, hiểu cách thức lao động, sản xuất, hiểu đời. Sự hiểu biết mới là chìa khoá để con người làm chủ cuộc đời mình, làm chủ thế giới.
Không dừng lại ở đấy, sự phát triển của thế giới, tiến bộ của xã hội đặc biệt là tốc độ công nghệ thông tin như hiện nay thì việc học, không ngừng học lại càng được khẳng định. Cứ tưởng tượng cuộc sống ngày nay là một dòng sông ngược nước. Nếu không tiến ắt sẽ lùi. Nếu không theo kịp ắt sẽ lạc hậu, bị bỏ lại phía sau. Sự lạc hậu bao giờ cũng đi đôi với trì trệ, kém phát triển, tai hại hơn là khiến con người trở nên cô lập, chơi vơi khi xung quanh mình ai cũng đổi khác. Vậy ý nghĩa của việc không ngừng học còn là cách làm mới mình, làm mới cuộc sống, nhờ sự làm mới này mà chúng ta tìm thấy nguồn vui, niềm yêu đời, nguồn sống mới. Chúng ta nhìn thấy điều đó ngay trong ngôi nhà mình, ở những người thân, những người thuộc thế hệ trước chưa có điện thoại thông minh, chưa có máy móc công nghệ cao. Để thích nghi, ông bà, cô chú, cha mẹ chúng ta vẫn học cách sử dụng từ con cháu, từ mọi người.
Học để làm việc là mục đích tiếp theo của việc học và không ngừng học. Suy cho cùng mọi giá trị mà kiến thức đem đến cho chúng ta sẽ vô nghĩa nếu không đem nó vào thực tế, nghĩa là không áp dụng kiến thức để làm việc. Khi có hiểu biết chúng ta mới có thể áp dụng vào trong lao động, trong sản xuất. Cũng như người nông dân phải học hỏi kiến thức gieo trồng từ kinh nghiệm người đi trước mới có thể làm ra hạt lúa từ hạt thóc giống ban đầu. Đó là nói việc học bên ngoài. Việc học trên trường lớp, theo trình độ thứ bậc sẽ là thước đo kiến thức, hiểu biết và khả năng của mỗi người. Dựa vào thước đó ấy xã hội đánh giá, phân công chúng ta vào những vị trí, những phần việc phù hợp. Thành quả cụ thể của việc học là bằng cấp, giấy chứng nhận sẽ là tấm vé thông hành để bạn bước vào tương lai mơ ước. Vậy nên để thực hiện ước mơ, để đạt được thành công nhất định nào đó trong cuộc đời hoặc được đứng ở một vị trí mà bạn hy vọng thì bắt buộc phải trải qua quá trình học kiên trì và nghiêm túc. Từ thành quả mà mình làm ra nhờ việc học, chúng ta mới có thể nuôi sống bản thân, đảm bảo tương lai bản thân, gia đình và đóng góp sức mình dựng xây xã hội.
Trong quá trình con người học tập, kiến thức mở mang, chúng ta sẽ có cái nhìn tiến bộ, tích cực hơn về cuộc đời. Tri thức sẽ mở ra nhiều cánh cửa, chúng ta có quyền lựa chọn cho mình lối đi thích hợp. Người có tri thức sẽ nhận ra giá trị của cuộc đời và giá trị bản thân mình từ đó điều chỉnh lối sống của bản thân sao cho ý nghĩa, sống sao cho đáng một đời.
Không chỉ học về kiến thức, những điều chúng ta học còn ở lý tưởng, tình cảm và nhân cách làm người. Học hỏi không ngừng sẽ giúp chúng ta hoàn thiện hơn những đức tính của bản thân, tiếp thu điều hay lẽ phải, đạo đức, chân lý tốt đẹp trong đời. Bài học về tình người, lòng nhân đạo, vị tha, nghị lực sống, sự lạc quan, gắn kết sẽ là hành trang quý báu để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong đời. Học để phân biệt đúng sai, tốt xấu và để chúng ta có thêm dũng khí nhận lấy trách nhiệm đấu tranh bảo vệ lẽ phải, công bằng.
Với một dân tộc, đất nước, học và học suốt đời là một mấu chốt quyết định sự phát triển. Nhất là khi thế giới đang vươn lên nền kinh tế tri thức thì giáo dục phải được đặt lên hàng đầu, việc học phải là việc ưu tiên tuyệt đối.
Lê nin, người đã đưa ra chân lý về quá trình học tập của con người đã đúc kết từ cả cuộc đời học tập và làm việc của ông. Nhà chính trị kiệt xuất, nhà cách mạng nước Nga đã học tập từ ngày còn trên ghế nhà trường đến khi tốt nghiệp cử nhân luật vẫn tiếp tục hướng sang lý luận, chính trị. Ông học từ thành quả nghiên cứu của người đi trước kết hợp với thực tiễn đất nước để đưa ra luận cương cách mạng. Kế tục sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng con đường học tập không ngừng, Hồ Chí Minh, con người vĩ đại của một dân tộc đang chìm trong máu lửa đã học từng chữ viết, tiếng nói nước người để bôn ba tìm học con đường cứu nước mình.
Có biết bao con người thế hệ cha anh đã kỳ công học tập để đem sức lực mình dựng xây tổ quốc. Ấy vậy mà vẫn không ít bạn trẻ ngày nay xem thường việc học, phụ lại tấm lòng người đi trước, thoái thác trách nhiệm thế hệ mình, phó mặc tương lai cho những rủi may. Các bạn ấy học qua loa, đối phó, học vẹt, học tủ thậm chí là bỏ học, chán học để lao vào những thú vui tai hại. Có nhiều bạn lại nghĩ rằng học bao nhiêu kiến thức trong trình độ nào đó thôi là đủ khiến bản thân khó mà đạt được thành công.
Như thế để thấy con đường học là con đường duy nhất để chúng ta có thể tồn tại, phát triển bản thân và tìm đến vẻ đẹp chân, thiện, mỹ. Với thế hệ trẻ chúng ta việc học lại càng là việc nên làm, phải làm. Trước hết chúng ta học tốt ở tường lớp, học những kiến thức cơ bản trong chương trình, học rộng và nắm bắt được cốt lõi vấn đề sau đó đem những điều học được để thực hành, áp dụng vào cuộc sống. Không chỉ học trên lớp, cần học kiến thức từ bên ngoài, ở sách báo, tivi.. và quan trọng là kiến thức thực tế cuộc đời. Không chỉ học kiến thức, chúng ta cần học kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp. Học cả lối sống, phẩm chất tốt đẹp để hoàn thiện nhân cách. Học kinh nghiệm của người đi trước để hạn chế những sai lầm. Muốn có được sự hiểu biết sâu rộng cần tạo phương pháp học hợp lý, xây dựng ước mơ, lý tưởng đúng đắn để bản thân nỗ lực đạt được.
“Học, học nữa, học mãi” là kim chỉ nam cho những ai chưa tìm ra được phương pháp học đúng đắn trong đời. Việc học là thiết yếu như không khí chúng ta hít thở, như nước chúng ta uống mỗi ngày. Tuy vậy con đường học tập cũng lắm gian nan, vất vả. Muốn chiếm lĩnh tri thức, muốn tương lai chúng ta có được quả ngọt thì hãy nuôi dưỡng cây đời hôm nay bằng một niềm say mê với việc học tập, có như vậy ắt chúng ta sẽ tìm ra được lối đi ngắn nhất để với thành công.