Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ Nhặt (Kim Lân)
Văn học đâu chỉ là câu chuyện của văn chương, nghệ thuật mà nó còn là câu chuyện của cuộc đời. Con người trong văn học cũng đâu phải chỉ tồn tại trên những trang giấy trắng hoặc sản sinh trong trí tưởng tưởng của tác giả. Con người trong văn học còn được sinh ra giữa cuộc đời, song hành với đời sống bộn bề và hoà lẫn vào trong những số phận nhọc nhằn. Đọc văn Kim Lân rồi khám phá hệ thống nhân vật của ông mới hiểu hết được sự sống đang chuyển mình trong những trang văn. Ở đó có những con người quên mất mình đau khổ, tạm gác lại sự hẩm hiu của bản thân mà nương theo sợi chỉ tình người dẻo dai mà tiếp tục sống, tiếp tục hy vọng. Nắm bắt khả năng kỳ diệu của con người, Kim Lân đã đưa Tràng vào Vợ nhặt một cách tự nhiên nhất để thấy thông qua vẻ bề ngoài thô kệch, xấu xí, nghèo khổ, Tràng hiện lên trong một cái nhìn yêu thương, trìu mến.
Cái hay của truyện ngắn Vợ nhặt không chỉ riêng cốt truyện hoặc những xung đột có tính sâu sắc, dữ dội mà là cái hồn cốt, cái tình nghĩa sâu nặng của con người thấm đẫm nếp sống ân nghĩa, thuỷ chung của bao đời gắn bó với từng bờ tre, liếp chuối. Đề tài về người nông dân, nông thôn không phải là miền đất mới đầy màu mỡ nhưng qua cái nhìn của nhà văn đậm cốt cách dân tộc, Kim Lân đã cho chúng ta tìm ra cái riêng, cái độc đáo và cũng thật tươi mới. Vẻ đẹp trong từng trang viết của Kim Lân được có thể ví như bông cỏ lau không rực rỡ, không bóng bẩy nhưng lại phảng phất hương vị của đồng quê nội cỏ, của thuần hậu phong thuỷ được chắc lọc của chất chua, chất chát, chất phèn của đất.
Văn cũng chính là người, nói như thế để chúng ta có thể tiếp cận Kim Lân ở góc độ của một người dành cả cuộc đời sáng tác về những giá trị vững bền được nuôi dưỡng qua bao nhiêu thế hệ. Kim Lân không viết nhiều và văn của ông cũng giống như câu nói cổ nhân “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Văn chương trọng ở cái chất lượng chứ không phải số lượng mà cái chất lượng làm nên cuộc đời của văn Kim Lân thì đúng là đáng quý, đáng trân trọng làm sao.
Truyện ngắn Vợ nhặt tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được nhà văn sáng tác trước Cách mạng tháng Tám. Sau đó vì mất bản thảo nên mãi đến sau khi hoà bình lập lại, Kim Lân dựa trên cốt truyện cũ mà xây dựng lại hình tượng nhân vật Tràng cùng với bức tranh xóm ngụ cư trong những ngày đói khổ, cận kề với cái chết ở nạn đói 1945. Nỗi ám ảnh dai dẳng của nạn đói hiện lên theo từng câu chữ. Cả một xóm nghèo chìm trong bóng tối của chết chóc, tang thương. Ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa cõi âm và cõi dương, giữa con người và cỏ rác dường như bị cái đói làm nhoà đi. “Người chết thì như ngả rạ, không một sáng nào đi làm đồng hoặc đi chợ người ta lại không thấy ba bốn cái thây người nằm cong queo ở bên vệ đường”. Người chết đã không còn cả chỗ chôn mùi tử khí nồng nặc, một kiếp người kết thúc thảm thương để bầy quạ đen chực chờ rỉa xác. Người sống cũng chẳng hơn gì “lũ lượt dắt díu, bồng bế nhau lên xanh xám như những bóng ma”. Không gian tối om, chẳng ánh đèn của những dãy nhà. Mọi dấu hiệu của sự sống tàn tạ theo tiếng khóc tỉ tê đưa tiễn. Hoàn cảnh ấy, người ta thường chỉ nghĩ đến làm sao để vượt qua hôm nay, làm sao có được miếng ăn để còn đón ánh mặt trời vào ngày mai. Trong khốn cùng, người ta không còn hơi sức để nghĩ đến kẻ khác, tấm thân của mình vẫn còn chẳng biết sống chết khi nào. Vậy mà Tràng lại đi lấy vợ, nói chính xác hơn là Tràng nhặt vợ. Tràng làm một việc đèo bồng đi ngược lại suy nghĩ mọi người. Phải chăng cái anh Tràng ấy vô tư, ngờ nghệch, làm một việc nông nổi hay sâu thẳm bên trong con người thô kệch ấy là tấm chân tình đáng quý dù chưa được gọt dũa vẫn có thể sáng ngời.
Trong đống đổ nát của bức tranh đời sống đói khổ, Kim Lân để nhân vật mình bước ra với bộ dạng hiện thân của cái đói, cái nghèo, của những kiếp người không có lấy nổi một cái tên bóng bẩy. Tràng – tên của một dụng cụ thợ mộc dùng để bào gọt, tạo hình cho đồ vật. Với anh có được cái tên để phân biệt đã là quý bởi kiếp sống của anh có khá gì hơn. Là dân ngụ cư đồng nghĩa với việc gia cảnh chẳng ra gì. Không có đất đai, nhà cửa nên mới ở nhờ đất người mà cũng chẳng phải ở nơi đông đúc. Xóm ngụ cư lúc nào cũng là những xóm nhỏ hẻo lánh, tạm bợ và chắp vá. Cái mà Tràng gọi là nhà cũng chỉ là mái lá “vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”. Đã vậy Tràng cũng chẳng có nghề ngỗng gì ra hồn ngoài công việc đẩy xe bò. Hoàn cảnh xuất thân đã vậy, ngoại hình anh ta còn thật thảm thương. Nếu mỗi gương mặt của con người là một tác phẩm của tạo hoá thì chắc hẳn đến lượt tạo ra anh, đấng tạo hoá đã ném tâm trạng bực dọc, mệt mỏi để gương mặt Tràng là những nét không thể xấu hơn được nữa “Đầu trọc nhẵn, hai con mắt nhỏ tí, gà gà, quai hàm bạnh ra, cái lưng to rộng như lưng gấu” cả cái cử chỉ, thói quen cũng hùa theo ngoại hình chẳng có điểm gì để khen “đi thì cứ chúi đầu về phía trước lại hay nói lầm bầm trong miệng..”
Những tưởng khi số phận đã bày ra một con người rơi vào hoàn cảnh thê lương như thế thì họ sẽ xem mình là kẻ thừa, đứng bên lề cuộc sống hoặc tự tách mình ra khỏi đồng loại bằng những âu lo, mặc cảm thân phận. Vậy mà Tràng đi ngược lại với guồng quay của cuộc đời, bằng mọi giá cất tiếng hót khác thường trong buổi hoàng hôn u ám. Tiếng hót ấy ban đầu xuất phát từ tính cách vô tư, hời hợt có phần nông cạn của Tràng. Nếu người lớn chẳng thèm để tâm đến Tràng thì Tràng chơi đùa cùng lũ trẻ. Giữa dòng người mệt mỏi vì đói khát, Tràng nhoà đi nhưng với bọn trẻ con Tràng lại trở thành tâm điểm. Chiều nào bọn trẻ cùng chờ cái tấm thân to bè của anh về qua để mà chạy ra reo hò, cười đừa. “Đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi. Tràng chỉ ngửa mặt lên cười hềnh hệch.” Chẳng biết bọn trẻ yêu mến vì Tràng hiền lành hay thích lấy những nét thô sơ trên gương mặt để trêu đùa. Chỉ cần không cô độc, chỉ cần được đoán nhận thì Tràng mặc kệ chúng có bao nhiêu tuổi, có không đúng với trang lứa mình đi chăng nữa vẫn không hề gì. Chính sự vô tư dễ nhầm lẫn với tính cách hồn nhiên của trẻ con, vô lo vô nghĩ ở Tràng đã khiến anh gần hơn bọn trẻ và cũng chỉ gần được với bọn trẻ.
Chuyện thường ngày đã thế, chuyện hệ trọng như lấy vợ Tràng cũng xem đó là trò đùa, tầm phơ tầm phào mà không chút suy xét được mất, trước sau. Lúc gò lưng kéo xe thóc chàng chỉ hò cho vui miệng, lòng chẳng chủ tâm chọc ghẹo cô nào, rồi hứa cũng vì thuận miệng mà ra. Lần thứ hai gặp Thị cũng chẳng nguyên cớ sâu xa gì mà mời người đàn bà lạ này ăn, lại còn khoe “rích bố cu” trong khi bản thân phải vất vả lắm mới có được vài đồng, trong khi sắp tới chẳng biết đói khổ thế nào. Nếu đứng trên phương diện của một người lao động bình thường trên bờ vực của cái đói thì chẳng ai dại gì rước thêm một người lạ về nhà để mà tốn cơm, tốn áo “Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?” Vậy hoá ra trong mắt những người xóm ngụ cư chỉ có cái anh Tràng cạn nghĩ này mới có thể làm như thế.
Đúng là Tràng có vô tư, có nông cạn và thiếu suy nghĩ trong cảnh tình khốn đốn khi mà miếng ăn là nỗi ám ảnh dai dẳng của con người. Tràng vô tư vì Tràng không chú trọng đến miếng ăn cũng như không bận tâm đến cái đói. Trong lòng cái anh cu Tràng ấy là tình cảm giữa những con người cùng khổ, sự nhân hậu bao dung được ươm mầm từ mẹ mình và tính phóng khoáng vốn có của người không đặt nặng vật chất. Vậy nên khi người đàn bà kia đến tìm anh bằng thái độ chỏng lỏng, đanh đá, cô ta cư xử không giống tính cách một người con gái “sầm sập chạy đến”, “sưng sỉa” đòi món nợ chỉ qua lời hứa suông của Tràng. Tràng vẫn vui vẻ chấp thuận mời Thị ăn mà không hề cảm thấy khó chịu, không một chút ý nghĩ ác cảm về người đàn bà đã đánh mất nét duyên dáng của mình vì đói.
Hành động này tuy bề ngoài có chút vô tư nhưng nguồn cơn lại là câu chuyện của tình thương. Phải chăng vì bộ dạng rách rưới, thê thảm của Thị, vì Tràng hiểu ra phần nào cớ sự Thị tìm đến mình mà xót thương? Nói như bà cụ Tứ thì “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình” Những người đồng cảnh ngộ thì mới thấu nhau, hiểu nhau mà chia sẻ cho nhau. Dù không nói ra nhưng thật tâm Tràng vẫn là người biết cảm thông, biết yêu thương.
Đâu chỉ mời Thị ăn bánh đúc, Tràng còn bỏ tiền ra mua cho Thị cái thúng con và vài thứ lặt vặt, ra hàng cơm đánh một bữa no nê. Với Thị đúng là Tràng chẳng tiếc gì. Tràng phóng khoáng không phải vì không biết nghĩ cho tương lai mà là Tràng biết quan tâm người khác, biết sống tử tế ngay cả lúc túng cùng. Thị đã chấp nhận theo Tràng về nhà thì Tràng phải cư xử sao cho phải phép một người chồng, ít ra cũng sắm sửa để người vợ mới bớt tủi hờn, có cái gọi là lễ vật cưới xin. Như thế để thấy được tấm lòng của Tràng, thấy được sự vị tha, nhân hậu của người lao động. Đời họ quá nhiều cơ cực thì họ dễ dàng san sẻ cho những thân phận như mình. Họ làm được việc lớn lao đó là cứu một con người nhưng chẳng lấy đó làm cao ngạo. Họ lấy sự tử tế, chân thành để đối đãi với mọi người.
Cái đói tràn ngập khắp mọi ngóc ngách cuộc sống, nó bám riết lấy đôi mắt tối sầm của con người và chẳng buông tha bất cứ một ai nghèo túng. Cả thiên truyện mở ra trong gam màu u ám, tối tăm. Vậy mà đi ngược với cái chết, Tràng tìm đến sự sống trong tiếng cười lạc quan, tiếng cười hy vọng. Tràng thể hiện mình là người đàn ông đầy niềm tin tưởng, lạc quan. Chân dung anh cu Tràng đã được vẽ ra bằng những nụ cười. So với những nét vẽ thô kệch trên gương mặt anh thì nụ cười là đặc ân để anh trở nên rạng rỡ hơn cũng là niềm an ủi đối với số kiếp hẩm hiu không chỉ riêng anh mà cả xóm ngụ cư đói khổ. Nụ cười hầu như có mặt khắp nơi “vừa đi vừa tủm tỉm cười”, “ngửa cô lên cười hềnh hệch”, “hắn thích chí ngửa cổ cười khanh khách”…Đi kèm với nụ cười là cái chặc lưỡi “chậc, kệ”. Ở một góc độ nào đó, cái chặc lưỡi này không chỉ là sự phó thác, không biết tính toán của anh Tràng mà là một sự đương đầu có ý thức. Hiểu tình cảnh của bản thân, hiểu cả cái đói đang lúc tiến gần hơn khi anh lại đèo bòng lấy vợ, vậy mà Tràng vẫn tỏ ra bất cần. Đời của anh đâu chỉ là viễn cảnh đau buồn mà nếu có thế cũng phải sống cho ra sống dù chỉ còn một ngày và một lần này nữa thôi. Suy nghĩ ấy là suy nghĩ của người lạc quan, yêu đời tuy có chút cục bộ nhưng trong thời điểm đâu đâu cũng là thảm cảnh thì nó mới đủ sức làm động lực để Tràng vượt qua.
Từ sự lạc quan, yêu đời và niềm tin tưởng ở tương lai, chúng ta nhìn thấy nhân vật này còn có một nét đẹp khác trong tính cách đó là khát khao được sống hạnh phúc và có trách nhiệm với gia đình. Tràng là chiếc phao để Thị bám vào trong lúc tuyệt vọng, Thị đã đi tìm sự sống còn Tràng thì tìm hạnh phúc. Một hạnh phúc mà bản thân Tràng không bao giờ ngờ đến mình sẽ có được chỉ vì vài câu bông đùa và bốn bát bánh đúc. Trên đường về nhà Tràng đã để cảm giác hạnh phúc tràn trề trên gương mặt, niềm vui sướng có được vợ, có người để thương yêu, quan tâm khiến cử chỉ, hành động của Tràng trở nên khác lạ “Hắn cứ lúng ta lúng túng, tay nọ xoa xoa vào vai kia đi bên người đàn bà”. Khát khao hạnh phúc đã làm Tràng quên đi những ê chề, tăm tối hàng ngày. Có lẽ với Tràng con đường hôm ấy chỉ có một thứ ánh sáng duy nhất tỏa ra từ người đàn bà kia, ánh sáng của mong muốn được sống cuộc đời ấm êm, bình an. Cảm giác này Tràng lần đầu tiên mà có được nên nó đến một cách khác thường “nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”.
Thế nên lúc đã về nhà“hắn tủm tỉm cười một mình” và ngờ ngợ khi nhìn thấy Thị đã ngồi ở đấy, ngay trong nhà mình. Hạnh phúc đến bất chợt khiến Tràng còn bỡ ngỡ, còn không tin đó là thật. Chưa bao giờ Tràng lại trông ngóng mẹ mình về như thế “chạy ra ngõ đứng ngóng, lại chạy vào sân nhìn trộm vào trong nhà”. Kim Lân đã rất tinh tế khi nhận ra những thay đổi dù là chi tiết nhỏ nhất cũng đủ thấy tâm trạng đang nóng lòng của Tràng. Cảm giác của Tràng lúc ấy cứ như một đứa trẻ hồi hộp chờ cái gật đầu của mẹ để niềm vui thật sự thành hiện thực cũng là để khoe niềm hạnh phúc Tràng đang ôm ấp.
Trong cảnh huống ấy thì người hàm ơn phải là Thị nhưng cảm giác mà Tràng đem đến cho chúng ta thì chính Tràng mới thật sự nhận được ân tình từ Thị. Cái ân tình của người phụ nữ đang thổi bừng khát khao sống, khát khao hạnh phúc ở Tràng. Thế nên với Thị, người vợ nhặt được, Tràng không tỏ ra một chút kệch cỡm, thô lỗ như vẻ ngoài cục mịch của anh. Tràng trân trọng niềm hạnh phúc kia, xem nó như vừng đông để ngắm nhìn. Dù rất muốn tỏ ra thân mật nhưng Tràng vẫn không suồng sã, cử chỉ của một chàng trai lịch sự trộm nhìn người đàn bà. Đến khi giới thiệu với mẹ mình về sự có mặt của Thị, Tràng cũng bật lên với những lời chắc nịch “Kìa nhà tôi nó chào u”. Hẳn là khi gọi Thị là “nhà tôi” Tràng đã mở cờ trong bụng nên từng lời rành rọt, nâng niu.
Con người tìm đến hạnh phúc, đến lượt nó, hạnh phúc khiến con người thay đổi. Có được vợ, Tràng có những bước chuyển biến tâm lý mạnh mẽ. Điều đó đã được Kim Lân khéo léo diễn tả trong buổi sáng sau khi có vợ. Từ một người vô tư, nông cạn Tràng đã trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn. Với mẹ, anh đã biết quan tâm hơn, không muốn khiến bà tủi hờn, cố gắng tạo hoà khí để gia đình vui vẻ hòa thuận. Nhìn thấy mẹ và vợ mình quét dọn, Tràng cũng muốn làm việc gì đó để góp sức vào đấy. Dù đó chỉ là ý nghĩ nhưng mọi hành động đều có ý nghĩ mở đường. “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Cái anh Tràng cục mịch chẳng biết nói lời hoa mỹ, đã nói là làm nên ý nghĩ kia khiến cho ta có niềm tin về sự thay đổi tất yếu trong con người anh. Rồi Tràng sẽ gánh vác gia đình, sẽ là chỗ dựa vững chắc cho mẹ và vợ mình.
Sự trưởng thành của Tràng còn được nhà văn khắc họa qua câu chuyện mà người vợ đem đến về đoàn người phá kho thóc Nhật. Lúc nghe câu chuyện và nghe tiếng trống thúc sưu ngoài đình, Tràng đã thần người suy nghĩ. Tràng tiếc rẻ, ân hận đến khó hiểu khi nhớ lại trước đây mình đã sợ những người cướp kho thóc mà kéo xe tránh đi nơi khác. Suy cho cùng mọi sự tiếc rẻ, ân hận ấy đều do Tràng đã biết nghĩ đến những chuyện xã hội, nghĩ đến người nông dân nghèo bên ngoài và phần nào hiểu được ý nghĩa của đoàn người Việt Minh, lá cờ đỏ sao vàng. Hình ảnh “trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” là dấu hiệu tích cực nhất cho thấy những chuyển biến sâu sắc về mặt nhận thức và cả tình cảm của Tràng đối với vấn đề lớn của xã hội. Từ tinh thần tự phát sẽ dẫn đến ý thức tự giác, từ số phận một cá nhân, một gia đình mà sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết của một giai cấp.
Sự gắn bó máu thịt với làng quê, sự đồng cam cộng khổ cùng người nông dân và tinh thần nhân đạo sâu sắc đã giúp Kim Lân khám phá vẻ đẹp nội tâm của nhân vật Tràng qua cách phác hoạ về ngoại hình, cử chỉ, ngôn ngữ, hành động…Trên nền tình huống truyện đặc biệt, Tràng hiện ra như minh chứng sống còn của kiếp người lao động trước Cách mạng tháng Tám. Ở họ đâu chỉ biết lo sợ trước cái đói, cái chết mà họ luôn đau đáu trong lòng tình người, tình đời. Trong tăm tối vẫn khao khát hướng về ánh sáng, bám chặt chiếc rễ lạc quan, vươn ra những cành hy vọng để mong chờ một ngày sẽ có những quả ngọt hạnh phúc.
“Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người” (Kim Lân) Ngọn đèn mà Kim Lân đã để Tràng kiên quyết thắp lên trong đêm tối ấy chính là ngọn đèn bất diệt của tình người, niềm hy vọng, ngọn đèn gắn kết ba con người đau khổ trong truyện để họ có thể cùng nhau mà hướng về ánh sáng cuộc đời. Chúng ta hãy giữ mãi ngọn đèn ấy trong lòng mình để trong nỗi đau vẫn thấy con đường sáng, trong nhọc nhằn vẫn nhận ra giá trị đời mình.