Cảm nhận nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt để thấy được vẻ đẹp trong tấm lòng của những người mẹ nghèo. (Vợ nhặt – Kim Lân)
“Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” (Nguyễn Minh Châu) Soi ánh sáng của đôi mắt nhân đạo vào truyện ngắn Vợ nhặt, chúng ta thấy Kim Lân đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trong việc đưa Vợ nhặt thành một khúc ca về tình người mà ở đó tấm lòng người mẹ nghèo được viết bằng âm giai sâu lắng, xúc động nhất. Bà cụ Tứ là hiện thân của cái đói, cái khổ và cảnh sống ê chề nhưng hơn hết chính bà cũng là kết tinh của tình người ấm áp, niềm hy vọng, khao khát được sống một đời sống mới.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Bắc Bộ, từng trang văn của Kim Lân cũng thấm đẫm nét thuần hậu phong thuỷ của làng quê, của những cánh cò chao nghiêng, khói bếp chập chờn và những con người mộc mạc, chân quê. Văn chương sản sinh từ đời sống, bám rễ vào miền đất cuộc đời, thế nên văn chương trước hết phản ánh cuộc đời. Tuy vậy, mảng đề tài làng quê không vì thế mà trở nên cũ kỹ trong phong cách văn của Kim Lân. Cũng những người những cảnh ấy vậy mà ta lại vỡ oà xúc động khi đồng hành cùng nhà văn khám phá nét đẹp ẩn sâu bên trong dáng vẻ lam lũ thường ngày ấy. Trong từng gương mặt u tối, bần hàn lại toát lên vẻ yêu đời, trong sáng. Có lẽ thế mà giá trị lớn nhất trong truyện của Kim Lân không phải chỉ riêng giá trị tái hiện cuộc sống mà là giá trị làm nên cuộc sống, đó không khác ngoài tình người, niềm tin và khao khát sống.
Trên nền của nạn đói năm 1945, Kim Lân đã hoàn thành truyện ngắn Vợ nhặt sau một thời gian dài bản thảo ban đầu bị mất. Vợ nhặt được xây dựng trên một tình huống truyện độc đáo. Giữa lúc nạn khói đang tràn về khắp xóm ngụ cư “Người chết thì như ngả rạ, không một sáng nào đi làm đồng hoặc đi chợ người ta lại không thấy ba bốn cái thây người nằm cong queo ở bên vệ đường”. Kẻ sống người chết cùng chung một khung hình u ám, tối tăm và có phần ghê rợn. Làm nền cho khung hình hiện thực ấy là âm thanh tỉ tê của người sống tiễn đưa, những tiếng khóc hờ cho người thân. Đã vậy “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Con người chẳng còn là con người của sự sống nữa mà được so sánh như những bóng ma vật vờ, xam xám. Và trong cái đói có thể giết chết con người lần mòn ,Tràng, một anh con trai nghèo, thô kệch, xấu xí của xóm ngụ cư lại nhặt được vợ. Anh đã làm một việc đèo bồng, một hành động nằm ngoài suy nghĩ của những người đói khổ. Tràng có vợ, điều này đã gây ra cho bà cụ Tứ một nỗi niềm xót xa, ai oán, ngạc nhiên xen lẫn vui mừng. Tình huống Tràng nhặt vợ không chỉ dựng nên bức tranh hiện thực đời sống của người lao động trong nạn đói năm 1945 mà hơn hết Kim Lân muốn bày tỏ tấm lòng nhân đạo của mình với những thân phận bé mọn. Dù họ có cục mịch như Tràng thì vẫn là người có tấm lòng nhân hậu. Dù một bà mẹ nghèo không thể lo nổi cho con đám cưới nhưng vẫn thương con bằng nỗi lòng day dứt.
Giữa cảnh tối sầm đói khát, khi bóng chiều đã nhập nhoạng bao trùm xóm ngụ cư bé nhỏ, bà cụ Tứ bước ra như một tia nắng cuối cùng héo hắt. Dấu hiệu đầu tiên nhận ra bà cụ là tiếng ho húng hắng báo trước tuổi già và bệnh tật. Dáng vẻ “lọng khọng”, “vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng” ấy đúng là thói quan của những người đàn bà suốt đời lam lũ, suốt đời gắn liền với việc đồng áng, bếp núc, lo toan từng con cá, bó rau. Bà cụ Tứ, trong hoàn cảnh đói khổ ấy lại càng co cụm như chiếc lá khô đợi đến ngày lá rụng. Gia cảnh đã nghèo lại còn là dân ngụ cư, sống trong “cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”, cả cái phên cửa cũng rách nát, trong nhà xem ra cũng chẳng có đồ đạc gì quý cả. Thân bà lão đã nghèo lại còn cô độc. Chồng và đứa con gái đã mất, sống một mình với cậu con trai có chút vô tư, làm thuê làm mướn cho người để kiếm cơm qua ngày. Chọn thời gian, không gian này làm nền cho sự xuất hiện của bà cụ Tứ, nhà văn hẳn đã có sự tính toán. Trong cảnh ấy, tình ấy người ta rất dễ mủi lòng huống hồ gì một bà mẹ nghèo mang nhiều mặc cảm. Và cũng chính trong tình cảnh ấy tấm lòng bà mới có thể bộc lộ một cách chân thật nhất.
Trước hết bà cụ Tứ là một người mẹ, một người mẹ nghèo hết lòng yêu thương con, cả đời hy sinh cho con, mong muốn lớn nhất cuộc đời cũng là mong con hạnh phúc. Những người đàn bà mang nặng đẻ đau, cưu mang con từ khi tấm bé bao giờ cũng xem con mình là máu thịt, là sinh mệnh. Người mẹ nào cũng thương con, vì con nhưng tấm lòng thương con của một bà mẹ nghèo mới thật sự khiến người ta đau đáu. Thương con, hiểu con nên bà biết rằng đứa con trai cục tính của bà tự dưng sốt ruột đón bà, lật đật chạy ra mừng bà về chắc hẳn là có chuyện hệ trọng gì. Thế nên bà phấp phỏm lo lắng và càng ngạc nhiên hơn khi thấy một người đàn bà trong nhà mình. Bà cụ đứng sững lại như một phản ứng tự nhiên khi đôi chân muốn để khoảng lặng cho những câu hỏi trong đầu bà mọc chồi “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?..”Hàng loạt những thắc mắc, nghi ngại cùng một lúc xuất hiện đúng với tâm lý chung của một bà mẹ không bao giờ dám nghĩ đến có một ngày con mình được vợ. Chẳng cần đợi đến khi Tràng giải thích, trong chính giây phút ấy bà cụ Tứ hẳn đã ngờ ngợ ra điều gì, chỉ vì bà cho rằng suy nghĩ ấy là vô lý, chẳng thể nào xảy ra nên bà gạt phăng đi, không cho suy nghĩ kia trở thành câu hỏi. Cái dáng vẻ “lập cập” của bà lão cũng mang nặng tâm trạng hồi hộp khi sắp đón nhận điều gì đó khác thường, điều gì đó nằm ngoài cuộc sống cô đơn, tẻ nhạt và tăm tối của bà thường ngày. Đến khi người đàn bà lạ chào thêm một lần nữa, bà lão bỗng “băn khoăn”. Nếu trước đó tâm trạng bà hoàn toàn ngạc nhiên thì bây giờ khi đã xác nhận được một nửa sự thật thì sự ngạc nhiên kia còn mang thêm những nỗi vướng mắc khiến bà nghĩ ngợi. Không băn khoăn làm sao được khi mọi chuyện đến với bà bất ngờ quá. Làm sao bà cụ có thể tin rằng có ai đó chịu lấy con mình mà con mình có vợ. Làm sao trong cảnh đói khổ túng cùng này mà tính đến chuyện dựng vợ gả chồng. Khắc hoạ tâm trạng ngạc nhiên của bà cụ Tứ, Kim Lân đã muốn nói lên một điều khi người ta sống lâu ngày trong nỗi đau, trong cùng quẫn thì chẳng còn hơi sức đâu mà phỏng đoán những chuyện có khả năng xảy ra, sự nhạy cảm của một người mẹ cũng dần bị bào mòn.
Dòng diễn biến tâm lý của bà cụ Tứ đi từ ngạc nhiên, sững sờ đến xót xa, ai oán. “Bà lão cúi đầu nín lặng” cái nín lặng của nội tâm đang tuôn trào nhiều cung bậc cảm xúc. Bà đã hiểu, đâu chỉ hiểu những điều con mình giải thích “chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau” mà lòng bà còn hiểu cả những điều Tràng chưa nghĩ đến. Bà đem cuộc đời dài dằng dặc những đau thương, bằng cả tuổi tác xế chiều của mình để mà thấu lòng con. Trong hoàn cảnh này, đến cái miệng ăn còn chưa lo nổi, người ta dễ bị những thiếu thốn, chật hẹp đời mình làm cho ích kỷ. Người ta sẽ tức giận mà mắng thằng con ngờ nghệch của mình làm chuyện không đâu, rước của nợ về, điều đó cũng không gì khó hiểu. Vậy mà bà cụ Tứ lại đưa cảm xúc của mình theo hướng ngược lại bà ai oán, xót thương cho số kiếp con mình. Chẳng một lời trách cứ, phiền bà, tình thương con của người mẹ chỉ thấy điều con làm xuất phát từ lỗi ở mình. Một người mẹ chưa thể lo nổi cho con, không đủ khả năng làm một lễ cưới đàng hoàng để ngày con có vợ diễn ra trong đơn giản quá mức đến như thế. Cái ai oán, xót xa của bà cũng là nỗi bi ai của kiếp người chưa bao giờ sống được một đời như ý muốn nên cứ để mình quẩn quanh trong tiếc rẻ, tủi nhục.
Nhà văn đã từng bước mở ra chân dung một người mẹ nặng lòng lo lắng cho con nhưng lại bất lực khi bản thân không thể chu toàn. “Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?” Sự ngập ngừng trong dòng tâm trạng là chỗ để những uất nghẹn lên tiếng. Lối văn nửa trực tiếp này Kim Lân có thể đào sâu được tâm trạng tự nhiên của nhân vật vừa bộc lộ tấm lòng yêu kính, cảm thông, trân trọng của mình đối với những người mẹ nghèo, những người phụ nữ nông dân suốt đời bị cái đói, cái khổ in hằn trên kẽ mắt. Thế nên kẽ mắt bà lão kèm nhèm, sự kèm nhèm của tuổi đời, của những lo toan đọng lại có muốn quẳng đi cũng không biết cất gánh lo ở nơi nào. Có thể nói hình ảnh giọt nước mắt của bà cụ Tứ chính là chi tiết nghệ thuật đắt giá trong truyện. Không phải nước mắt tuôn trào hay chảy thành giọt mà nước mắt ít ỏi, hiếm hoi rỉ xuống. Có lẽ thân bà như cội cây già, vỏ đã xù xì, thô ráp, nỗi đau thì âm thầm cất giấu vào trong. Giọt nước mắt cũng chảy ngược nên đau xót mấy cũng chỉ đủ kèm nhèm khoé mắt. Giọt nước mắt là kết tinh của tình người mẹ đã trải qua cuộc đời bất hạnh, nỗi đau cũng nhiều, nước mắt có thấm vào đâu.
Trước hạnh phúc bất ngờ của con, lòng người mẹ cũng không giấu được vui mừng nhưng niềm vui ấy chẳng che lấp được nỗi lo toan, tủi hờn khi bà nghĩ về đời bà về người thân xấu số “vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?…”Câu hỏi bỏ ngỏ như một tiếng than thân trách phận cũng là một khoảng tương lai mịt mờ phía trước. Trong hiện thực như thế này khó khiến lòng người mẹ an tâm.
Không chỉ thành công khi khắc họa diễn biến tâm trạng, cử chỉ, lời nói của bà cụ Tứ cũng rất đắc để bộc lộ được tấm lòng thương con của người mẹ. “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Từng lời sao mà chân tình, mộc mạc như được thốt ra từ đáy lòng quặn thắt của bà. Thương vì chẳng thể làm gì cho con mình trong ngày trọng đại đời người. Càng thương lại càng tủi, càng xót. Vì thế mà nước mắt tuôn ra “chảy xuống ròng ròng”.
Từ tấm lòng một người mẹ thương con, sự thấu hiểu của một người từng trải, bà cụ Tứ hiện lên với vẻ đẹp của người phụ nữ nhân hậu, bao dung. Khi hiểu ra mọi cớ sự, lòng bà không hề có chút nghi ngại về thân phận người phụ nữ kia, cũng không nửa lời trách cứ con tầm phơ tầm phào lấy vợ hay có cái nhìn ác cảm với người phụ nữ lạ chưa được mai vong mà đã về nhà người ta đường đột. Điều lo lắng đầu tiên của bà là “liệu chúng nó có nuôi nổi nhau sống được qua cơn đói khát này không?” chứ không phải con trai mình sao lại làm chuyện đèo bồng trong lúc đói khổ này. Cái nhìn của bà dành cho nàng dâu mới là cái nhìn của tình người ấm áp, của những người đàn bà cùng chung số phận chứ không phải cái nhìn của bà mẹ chồng khó tính.“Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được..”
Lòng bà đang xót xa, buồn tủi nhưng bà cố giữ chua chát ấy cho mình mà dành cho nàng dâu mới lời động viên, sự quan tâm nhẹ nhàng của một người mẹ. “Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Lời nói đầu tiên của một người mẹ chồng là lời nói của một tấm lòng bao dung, rộng mở lấy hạnh phúc của con mình làm thước đo hạnh phúc của bản thân. Cũng chính bà đã dùng tình thương sự đồng cảm để gần gũi hơn với nàng dâu. Bà bảo cô con dâu ngồi xuống cho đỡ mỏi chân. Nhìn thấy tà áo rách bợt, gương mặt xám xịt như lưỡi cày vì đói khát của Thị, bà cụ Tứ dấy lên niềm thương xót. Tình thương này vượt ra ngoài tình thương của một người mẹ chồng dành cho nàng dâu mà là tình thương của người với người giữa những người cùng chung cảnh khổ sẽ dễ dàng sẻ chia, đùm bọc. Và bà cụ Tứ cũng sẽ dang rộng đôi tay già nua của mình để cô con dâu nương tựa vào. Miếng ăn khi chia ra sẽ hết nhưng tình thương sẻ chia lại càng giàu có thêm. Bà cụ Tứ chẳng có miếng gì ngon chỉ có sự giàu có về tình người và tấm lòng bao dung rộng mở.
Thông thường nàng dâu mới phải là người bắt chuyện, là người ra sức lấy lòng mẹ chồng. Đằng này bà cụ Tứ cũng chẳng câu nệ những việc như thế. Sâu thẳm lòng bà, đằng sau nỗi lo nghèo đói, bà thầm mang ơn Thị, xem Thị là người ơn chứ không phải người chịu ơn mình. Cũng như Tràng, bà cụ Tứ trân trọng sự có mặt của Thị, không một chút gì khinh rẻ hay xem thường. Thế nên bà cố giải thích cho nàng dâu mới nghe lý do vì sao không thể đủ lễ nghĩa trong ngày cưới cho phải lẽ. Cũng vì đói, nghèo chứ không phải vì bà khinh nhờn một cô vợ nhặt như Thị. Từng lời của bà chứng tỏ đây là một bà lão hiểu chuyện, thấu lẽ đời, sống có đạo đức, lúc túng cùng vẫn xem trọng văn hoá, phong tục ông bà. Thế nên dù không có vài mâm mời hàng xóm như mong muốn, bữa ăn ngày cưới cũng được bà chuẩn bị chu đáo bằng cả tấm lòng. Dù chỉ là một chùm rau chuối thái rối, nồi chào lỏng hay bát chè khoán đắng chát thì cũng là tất cả những gì người mẹ nghèo, người đàn bà nhân hậu dành cho con.
Bà cụ Tứ còn đẹp ở lòng khao khát sống, tinh thần lạc quan và niềm tin tưởng ở tương lai. Trách nhiệm của một người làm mẹ bà đã không thể lo chu toàn cho con thì bà sẽ hướng con nghĩ đến những điều tốt đẹp. Bà lấp đi nỗi ê chề của hiện tại bằng câu nói động viên không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời “Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá”. Thành ngữ dân gian này chính là câu nằm lòng, là câu cửa miệng của hầu hết người Việt Nam, đặc biệt là những người có số phận hẩm hiu, túng khổ. Khi mà hiện thực toàn màu xám xịt thì người ta dễ bám víu vào tương lai dẫu cho tương lai ai mà biết được.Đâu chỉ nói, từng cử chỉ, việc làm của bà đều có chủ ý của sự thay đổi tích cực. Cả Tràng cũng nhận ra sự thay đổi của mẹ mình. Gương mặt bà nhẹ nhõm, tươi sáng hơn “Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”. Bà lão hy vọng rằng thu xếp nhà cửa quang quẻ, nề nếp có khi cuộc đời cũng đổi mới, sáng sủa hơn.
Thương nhất vẫn là bữa cơm ngày đói, nét vẽ day dứt của Kim Lân khi hoàn tất bức tranh thương tâm của những con người cùng khổ. Một người mẹ già nua, một cô con dâu không rõ lai lịch và một cậu con trai có chút ngờ nghệch bên cạnh một bữa ăn thảm hại mà chuyện họ nói đến toàn là những chuyện vui, chuyện tương lai. Người khơi nguồn dẫn dắt không ai khác chính là bà cụ Tứ. Bà tính đến chuyện mua gà, làm cái chuồng gà để chẳng mấy chốc sẽ có một đàn gà con. Suy tính này của bà trông bên ngoài giản dị nhưng thật ra cũng là câu chuyện của đời người. Cái căn nhà nhỏ bé rúm ró này có thể che chở được nàng dâu, có thể làm nên hạnh phúc của một gia đình thì chắc chắn sẽ là nơi sản sinh ra sự sống. Hy vọng sẽ ươm mầm sự sống, một khi sự sống đâm chồi nảy lộc thì sẽ lấn át cái khổ, cái đói và cái chết. Niềm tin vào ngày mai của đôi vợ chồng trẻ được người mẹ già thổi bừng. Ai biết được rồi họ sẽ cùng vượt qua tao đoạn này mà hướng đến ánh sáng, vợ chồng Tràng cũng sẽ sinh con đẻ cái để sống sung túc về sau.
Một niềm tin âm ỉ trong đôi mắt của người mẹ rất đỗi tự hào khi đặc biệt chuẩn bị món ngon cho hai con. Đoạn văn rất thành công khi đã khắc hoạ dáng “lễ mễ”, “lật đật” của bà cụ Tứ như cố gắng vun vén hạnh phúc cho hai con, an ủi hai con chấp nhận thực tại để thấy rằng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”. Thương nhất vẫn là cách bà gọi nồi cháo cám là “chè khoán”. Với người mẹ nghèo kia có được bữa ăn no đã là hạnh phúc, niềm hạnh phúc quá ít ỏi mà bà cố níu giữ cho con trong ngày cưới, điều duy nhất bà có thể làm cho con trong lúc này.
Điều ngược đời trong truyện là một người đại diện cho quá khứ, cho khoảng thời gian dần ngắn lại mỏng manh như bà cụ Tứ lại là người nói nhiều về tương lai, về hy vọng. Phải chăng nhà văn muốn nhắn nhủ rằng “sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ..” (Nguyễn Khải) Sự song hành của quá khứ luôn là động lực để hiện tại trở nên tốt đẹp hơn, dù chỉ là sự tốt đẹp trong ước muốn thì đấy cũng điều đáng trân trọng. Một bà cụ Tứ dạy con mình bằng ca dao, tục ngữ, bằng lẽ sống của ông cha chính là hiện thân cho truyền thống, cho những điều quý báu mà bình dị mỗi chúng ta cần gìn giữ.
Mặc dù là nhân vật xuất hiện sau cùng trong truyện ngắn nhưng bà cụ Tứ lại là nhân vật thổi bừng lên sự ấm áp của tình người qua tấm lòng người mẹ, tấm lòng người phụ nữ nhân hậu, bao dung và niềm tin tưởng, hy vọng ở tương lai. Kim Lân đã rất khéo trong việc dùng một tình huống truyện đầy nghịch lý, éo le để nhân vật mình từ đấy bộc lộ được nét đẹp phẩm chất một cách tự nhiên. Ngòi bút tinh tế của một nhà văn suốt đời gắn với thôn quê và những kiếp người cần lao đã khám phá nét đẹp tâm lý, những chuyển biến nội tâm sâu sắc của nhân vật để từng trang truyện hiện ra như một trang đời.
Cuộc đời một người mẹ nhiều đau khổ như bà cụ Tứ cũng là cuộc đời chung của những bà mẹ nghèo suốt đời lam lũ. Thương cho tấm lòng của bà cũng là thương cho nỗi cơ cực và những ước mơ chưa được nguyện thành của những kiếp cần lao. Tiếng nói ấy Kim Lân đã thay lời nhân vật mình nói hộ. Thông qua những hiểu biết tâm lý, tình cảm của người nông dân, nhà văn đã bộc lộ được sự yêu mến, trân trọng, tấm lòng nhân đạo của mình để văn chương từ đấy trở thành sợi dây rung động của những cung bậc tình cảm chân thành.