Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ)
Bất cứ thời đại nào cũng có người tốt, kẻ xấu, người thiện, kẻ ác. Hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa song song tồn tại và không ngừng chiến đấu để giành lấy phần thắng. Quy luật này càng đúng đắn trong xã hội phong kiến cuối Lê đầu Mạc khi mà triều đình nhũng nhiễu, bộ máy quan lại trên đà suy thoái, cái ác được lúc trỗi dậy lấn át cái thiện thậm chí là lộng hành trên danh nghĩa cái thiện. Nguyễn Dữ, một kẻ sĩ sống trong thời bất đắc chí nhưng không thể làm ngơ trước hiện thực diễn ra trước mắt nên đã một cách bóng giá mượn chuyện quỷ thần mà nói chuyện con người. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã thực sự thành công khi phản ánh hiện thực xấu xa và ca ngợi sức mạnh của cái thiện, sức mạnh công lý mà đại diện là nhân vật Ngô Tử Văn- kẻ sĩ chân chính, khảng khái.
Những nét chính về cuộc đời Nguyễn Dữ vẫn còn tồn tại khá nhiều ý kiến trái chiều. Tổng hợp lại có thể nói Nguyễn Dữ sống trong giai đoạn đầu và giữa thế kỷ XVI. Với xuất thân từ gia đình khoa hoạn, Nguyễn Dữ được biết đến là người có tài văn chương, thạo kinh sách. Dấu ấn của một kẻ sĩ đau đáu trước thời cuộc hiện ra rõ nét trong tập truyện Truyền kỳ mạn lục. Thể loại truyền kỳ thuộc dạng đoản thiên tiểu thuyết có cốt truyện hấp dẫn và được kết hợp nhiều yếu tố kì ảo, hoang đường. 20 truyện trong Truyền kỳ mạn lục đa phần là những ghi chép tản mạn các câu chuyện kỳ lạ trong nhân dân. Tuy vậy công phu sáng tạo của Nguyễn Dữ mới là nguyên nhân làm nên giá trị nhân văn sâu sắc của bộ truyện.
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên được xây dựng dựa trên cốt truyện khá hấp dẫn, nhân vật hiện lên sinh động nhờ tác giả chú trọng đến cử chỉ, ngôn ngữ, hành động. Chuyện kể về Ngô Tử Văn, một người ở đất Lạng Giang có tính cách chính trực, ghét điều dối trá. Vì đốt đền của tên tướng giặc mượn quỷ thần tác oai, tác quái Ngô Tử Văn bị tên hung thần này dọa kiện xuống âm ty. Trong cơn mê man, Ngô Tử Văn gặp thổ thần và được ngài ấy mách cho tội chứng, cách đối phó với tên hung thần kia. Ngô Tử Văn bị quỷ sứ bắt xuống âm phủ, chàng trình bày mọi tội trạng của tên tướng giặc. Sau khi chứng thực, diêm vương đã phán tội những kẻ ác. Thổ công được phục chức, Ngô Tử Văn sau đó nhận lời của thổ công làm chức phán sự đền Tản Viên.Câu chuyện hấp dẫn bởi đan cài giữa những yếu tố giàu chất liêu trai và căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa một bên là đại diện cho cái thiện, chân lý, lẽ phải còn một bên là tiêu biểu cho bộ mặt xấu xa, gian trá của bọn ma quỷ, hung thần. Để khám phá sự ly kỳ trong cuộc chiến này, chúng ta cần tiếp cận nhân vật chính, cũng là nhìn nhận khách quan về Ngô Tử Văn, người đã khẳng khái đốt đền.
Ngay phần giới thiệu ngắn gọn của tác giả, chúng ta đã thấy được nét tính cách nổi bật của Ngô Tử Văn chính là cương trực, nóng nảy, không thể đứng nhìn cái bất bình, thấy sự gian tà phải ra tay trừ hại. “Chàng vốn khảng khá nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”.Chỉ trong câu giới thiệu súc tích đã thể hiện được hai cái nhìn vừa chủ quan (tác giả) vừa khách quan (theo lời của dân gian đánh giá). Như vậy ở cả hai góc nhìn ta tìm thấy Ngô Tử Văn là một người giàu sĩ khí, khí phách quật cường, thiên lương trong sáng. Những phẩm chất đáng quý này mở ra cụ thể hơn khi tác giả đưa người đọc ngay đến xung đột truyện Ngô Tử Văn đốt đền. Hành động đốt đền của Tử Văn nếu ở hoàn cảnh bình thì đó là hành động gàn dở, càn quấy bởi lẽ đền miếu là nơi linh thiêng thờ cúng thần linh. Động đến nơi này không chỉ là phạm tội với cõi trên mà còn khiến người cõi trần tức giận. Tuy nhiên nhìn thấy Tử Văn đốt đền thì mọi người “lắc đầu, lè lưỡi lo sợ” bởi vì họ sợ cho chàng, ái ngại khi Tử Văn lại dám đương đầu với quỷ thần. Hành động của Tử Văn là hành động có ý thức, được xây dựng với mục đích chính nghĩa của một người không thể làm ngơ trước cái xấu. Điều đó chứng minh qua chi tiết “tắm gội sạch sẽ, khấn trời” trước khi châm lửa. Việc khấn trời cho thấy Tử Văn tin vào chân lý, thiên lý sẽ không dung tha cho những kẻ ác bá kể cả kẻ ấy có mang danh nghĩa thánh thần. Còn động tác vung tay không cần gì cả của chàng là minh chứng sáng tỏ nhất cho sự cứng cỏi ở kẻ sĩ bất chấp dư luận, sẵn sàng gánh chịu mọi hậu quả khi mình đang làm điều đúng đắn. Thế nên rất đúng khi nhận xét Ngô Tử Văn là người làm việc hơn cả thần và người.
Đâu chỉ là người gan dạ, bản lĩnh, Ngô Tử Văn còn là người sáng suốt biết phân biệt chân – giả, thiện – ác. Ngay sau khi đốt đền, Tử Văn đã bị tên hung thần hãm hại “khó chịu, đầu lảo đảo, bụng run run”. Chàng phải đối diện với một kẻ ác sắm vai người hiền cũng dáng vẻ oai vệ, khôi ngô, cũng đầu đội mũ trụ xưng mình là cư sĩ. Hắn dùng những lời lẽ thị uy, biện minh một cách hùng hồn để giành lấy phần phải cho mình, buộc tội Ngô Tử Văn. Nếu là một người bình thường dễ xao động thì đã sợ hãi mà cúi đầu cầu xin hắn tha thứ hoặc bị những lời cáo buộc của hắn khiến cho bản thân nao núng. Chỉ tiếc tên hung thần không thể trấn áp đầu óc tỉnh táo, khả năng phân biệt thật, giả, bản lĩnh kiên cường khi đối mặt với luận điệu trơn tru của Tử Văn. Ngay cả khi cơ thể mệt mỏi, nóng sốt, Tử Văn để lý trí minh mẫn mà quan sát từng cử chỉ của quỷ thần. Tư thế chàng không hề lo sợ, vẫn một mực nắm thế chủ động như có niềm tin vững chắc về sự tất thắng của lẽ phải. Sự sáng suốt của Tử Văn còn thể hiện khi đối diện với thổ thần thực sự. Dù ban đầu Tử Văn kinh ngạc khi lại thêm một người tự nhận mình là chủ nhân ngôi đền nhưng sau đó Tử Văn đã tinh ý nhận ra sự chân thành của người này. Chỉ qua lời kể thống thiết của ông già áo vải, Ngô Tử Văn rõ đâu là hư đâu là thực, đâu mới đúng kẻ bị ức hiếp, yếu thế, chịu oan khuất bấy lâu. Đến đây, sự việc ngày một phơi bày thì Ngô Tử Văn lại càng bộc lộ mình là người có chí khí của anh hùng thấy việc bất bình ra tay cứu giúp.
Câu chuyện có diễn biến khá nhanh, kết cấu chặt chẽ thuận theo lẽ thường. Ngô Tử Văn bị bắt xuống âm ty để trực tiếp dùng lý lẽ đấu tranh cho cái thiện. Từ đấy chúng ta nhận thấy ở Ngô Tử Văn một nét đẹp trong tính cách đó là người dũng cảm sẵn sàng đem cả sinh mạng của mình đấu tranh vì lẽ công bằng. Với khẩu khí của kẻ sĩ không cúi đầu trước quyền uy, Ngô Tử Văn trình bày cặn kẽ sự việc và đưa ra bằng chứng thuyết phục ông vua chốn âm tào “lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”. Địa ngục u tối cùng với “gió xanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương”, nơi nơi là quỷ dạ xoa “mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác” vẫn không hạ được chí khí của người ngay thẳng. Dù bản thân bị cùng kẹp, bị đưa vào mức án cao nhất cho tội sâu ác nặng “không được dự vào hàng khoan giảm” mà Tử Văn vẫn có thể bình tĩnh để lật ngược tình thế, xoay chuyển ván cờ, đưa cán cân công lý về đúng vị trí của nó. Như thế để thấy Ngô Tử Văn chính là người nắm giữ sinh mạng của mình và đồng thời cũng là người chấp nhận dùng sinh mạng để bảo vệ cái đúng ở đời.
Mọi điều đã được sáng tỏ, công bằng chắc chắn sẽ thuộc về tay ai biết đấu tranh. Kết thúc có hậu quen thuộc đã khẳng định chân lý chính nghĩa thắng hung tà. Lúc này Ngô Tử Văn trở thành người xứng đáng nhất được thưởng công. Chàng được trở về dương gian dù đã chết hai ngày. Đâu chỉ thế, để nhớ ơn của Tử Văn, Thổ thần tự nguyện chia bỗng lộc của mình cho Tử Văn một nửa và còn được đề cử giữ chức phán sự đền Tản Viên. Ngô Tử Văn hóa thần và trở thành bất tử chính là phần thưởng lớn nhất mà một kẻ sĩ như chàng nhận được. Danh thơm ấy, tiếng đồn ấy sẽ truyền muôn thuở để lại đức độ cao ngất cho con cháu đời sau.
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã thành công khi tạo ra một không gian huyền ảo từ trong giấc mơ của Ngô Tử Văn đến hiện thực xuống gặp gỡ Diêm Vương dưới âm phủ để từ đó các yếu tố kỳ ảo xuất hiện tự nhiên đóng vai trò dẫn dắt mạch truyện, tạo sự bất ngờ, hấp dẫn. Những yếu tố kỳ ảo này mang hiệu quả tác động đến tâm linh trong quan điểm của người trung đại. Thực ra trong giai đoạn này, con người vẫn tin vào khả năng tồn tại của những yếu tố ảo vì thế mà mục đích của Chuyện chức phán sự đền Tản Viên nói riêng và Truyền kỳ mạn lục nói chung dễ đạt hiệu quả giáo huấn, răng dạy con người phải tránh xa cái xấu, đấu tranh với tội ác, tích cực làm việc thiện, sống cương trực, trong sạch.
Ở nhân vật Ngô Tử Văn ta còn thấy được một bước phát triển đáng kể trong lối viết văn của thế kỷ XVI. Không dừng lại ở cách kể, giới thiệu nhân vật, Nguyễn Dữ còn đưa vào đấy là hành động, cử chỉ, ngôn ngữ đối thoại mang tính nhất quán. Nhờ thế mà chân dung của Ngô Tử Văn càng trở nên sinh động, cá tính hơn với tiết tháo cứng cỏi của người quân tử, hành động đúng đắn của kẻå sĩ gặp phải điều gian ác. Ngô Tử Văn là đại diện cho hình mẫu lý tưởng của xã hội trung đại, một nhà nho chân chính phải được tôn vinh, phát huy hơn nữa trong bối cảnh xã hội phong kiến đang xuống dốc, mọi luân thường, đạo lý dần mai một.
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã thoát khỏi cách kể chuyện đậm chất dân gian mà dần trở thành lối viết mới của văn chương mang dấu ấn cá nhân. Ý nghĩa của câu chuyện không dừng lại ở phản ánh hiện thực xã hội đương thời, ca ngợi chính nghĩa mà nhân vật trung tâm là Ngô Tử Văn. Truyện còn là khúc ca về thái độ sống đúng đắn của một người không thể chấp nhận cái xấu. Ở bất cứ thời đại nào đều tồn tại cái ác, cái chưa tốt nên bất cứ thời đại nào chúng ta cũng cần có nghĩa khí sẵn sàng đấu tranh, sẵn sàng đối đầu với cường quyền, ác bá, với những kẻ núp bóng hiền nhân mà lòng dạ còn hơn lang sói.